|
Không có triệu chứng rõ ràng để nhận biết việc thiếu hụt vitamin. Tuy nhiên, các nhà khoa học có thể xác định được điều này thông qua một số biểu hiện, chẳng hạn mệt mỏi, khó chịu, căng thẳng, trầm cảm, dị ứng, mất ngủ. Theo Dummies, việc thiếu hụt vitamin khiến cơ thể bị suy giảm về chức năng, thiếu sức đề kháng bệnh tật.
Vitamin A. Là một chất hết sức cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là cho các tế bào mắt. Thiếu vitamin A dễ dẫn đến hiện tượng khô mắt, tầm nhìn hạn chế, da khô hoặc nứt, vết thương chậm lành, tổn thương thần kinh, khứu giác và vị giác giảm, không có khả năng đổ mồ hôi; giảm sức đề kháng với bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Vitamin D. Có lợi cho sự hình thành, phát triển hệ thống xương, giúp cơ thể hấp thu tốt nhất lượng can xi. Ở trẻ em thiếu vitamin D gây bệnh còi xương (cơ bắp yếu, răng phát triển chậm, xương mềm), nhẹ cân, sâu răng, gia tăng bệnh hen suyễn và viêm nhiễm đường hô hấp. Nghiên cứu được công bố tại Anh cho biết trẻ em thiếu hụt vitamin D có nguy cơ cao mắc bệnh hô hấp. Do đó, cần cho trẻ tắm nắng sớm để tổng hợp vitamin D. Ở người lớn thiếu vitamin D dẫn đến hiện tượng nhuyễn xương (mềm, xốp, dễ gãy).
Vitamin E. Chức năng quan trọng hàng đầu của vitamin E là phòng chống ung thư và xơ cứng tế bào thông qua cơ chế trung hòa độc chất ô xy hóa tích tụ trong cơ thể. Ngoài ra, vitamin E còn giúp tăng cường khả năng sinh sản, bảo vệ da, kiểm soát tiểu cầu trong máu. Đặc biệt, khi thiếu hụt vitamin E, cơ thể không có khả năng hấp thụ chất béo.
Vitamin K. Đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình làm đông máu, nhằm tránh tình trạng chảy máu. Thiếu vitamin K khiến vết thương chảy máu liên tục, cơ thể sẽ gặp nguy hiểm.
Vitamin C. Được biết đến với các tác dụng thải độc, chống ô xy hóa và tăng cường hệ miễn dịch. Khi thiếu vitamin C sẽ xuất hiện dấu hiệu của bệnh Scorbut (biểu hiện qua các triệu chứng: chảy máu nướu răng, viêm lợi, chậm lành vết thương, đốm xuất huyết trên da...). Ngoài ra, thiếu vitamin C cũng là nguyên nhân gây đau hoặc sưng khớp, khó thở, dễ bị nhiễm trùng, đặc biệt là cúm và viêm hô hấp, vết thương chậm lành.
Thiamin (vitamin B1). Khi cơ thể thiếu hụt vitamin B1 sẽ xảy ra tình trạng chán ăn, mệt mỏi, giảm cân ngoài ý muốn, đau bụng, buồn nôn, tổn thương thần kinh, mất cảm giác vì viêm dây thần kinh ngoại vi, rối loạn tâm thần, kém tập trung, đầu ngón tay tê, nhịp tim nhanh, sưng phù cơ thể...
Riboflavin (vitamin B2). Cơ thể sẽ xuất hiện các dấu hiệu viêm niêm mạc - bao gồm nứt môi, viêm lưỡi và miệng, khô mắt, phát ban, chậm lành vết thương, tóc rụng khi thiếu hụt vitamin B2.
Vitamin B6. Thiếu máu, co giật tương tự như chứng động kinh; buồn nôn, chóng mặt, giảm cân, da phát ban, rối loạn tiêu hóa, tổn thương thần kinh (ở trẻ sơ sinh) là những dấu hiện để nhận biết sự thiếu hụt vitamin B6.
Vitamin B12. Thiếu vitamin B12 liên quan đến rối loạn cảm giác, kích thích thần kinh hoặc trầm uất, viêm da, lưỡi viêm đỏ, ăn không ngon, giảm cân, đi đứng không vững, tính tình cáu kỉnh, buồn rầu...
Biotin. Chán ăn, đau bụng, xanh xao, da khô, da có vảy, rụng tóc, trầm cảm là những biểu hiện của việc thiếu hụt biotin.
Hạ Yên
>> 4 nguồn giàu vitamin C
>> Vitamin C diệt vi trùng lao kháng thuốc
>> Ăn bổ sung vitamin C
>> Vitamin C, beta-carotene giúp nhớ lâu
>> Vitamin E và bệnh nhân Alzheimer
>> 4 nguồn giàu vitamin C
>> Vitamin D tốt cho bệnh nhân tiểu đường
>> Con khỏe nhờ mẹ siêng bổ sung vitamin D
>> Bổ sung vitamin A miễn phí cho trẻ
Bình luận (0)