Sáng nay 11.6, theo quyết định đã ban hành trước đó, TAND Q.12, TP.HCM mở lại phiên xét xử sơ thẩm ông Nguyễn Văn An (40 tuổi, ngụ Q.12) về tội “cố ý làm hư hỏng tài sản” theo khoản 1, điều 143 bộ luật Hình sự (liên quan đến vụ án này, Báo Thanh Niên ngày 28.12.2017 có đăng bài Đạp móp cửa ô tô, đã bồi thường, được bãi nại nhưng vẫn bị truy tố).
Theo hồ sơ vụ án, ông An và ông N.V.S (sinh 1974, ngụ Q.12) đều là tài xế chở khách tự do. Sáng 30.6.2017, ông An điều khiển ô tô 4 chỗ đến trước địa chỉ 202 QL 22 (P.Trung Mỹ Tây, Q.12) để đón khách đi Tây Ninh. Lúc này, ông S. cũng điều khiển xe 7 chỗ chờ đón khách ở khu vực này. Ông S. yêu cầu ông An phải “xếp tài” để đón khách nhưng ông An không đồng ý nên hai bên xảy ra xô xát, sau đó ông An dùng chân đạp vào cửa trước bên phải ô tô của ông S., khiến cửa xe bị móp, giám định thiệt hại hơn 5,1 triệu đồng. Sự việc tưởng dừng lại ở đó vì sau đó ông An đã bồi thường 40 triệu đồng cho ông S. và ông S. đã có đơn bãi nại cho ông An, nhưng các cơ quan tố tụng Q.12 vẫn tiến hành các thủ tục pháp lý truy tố ông An trước pháp luật.
tin liên quan
Đạp móp cửa ô tô, đã bồi thường, được bãi nại nhưng vẫn bị truy tốQuá trình vụ án này có nhiều điểm mà nhiều người cho là rất lạ trong quá trình tố tụng, cũng như sự “cam go” trước khi TAND Q.12 mở phiên xét xử đầu tiên vào ngày 8.5 vừa qua. Cụ thể: Phiên tòa đã hoãn một lần ngay trước giờ khai mạc ngày 14.3.2018; tòa hai lần trả hồ sơ cho Viện KSND Q.12 yêu cầu khắc phục một số vi phạm tố tụng như: trong quá trình điều tra chưa tống đạt Quyết định khởi tố bị can, Quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và Kết luận điều tra cho ông An…
Sự “cam go” ấy còn thể hiện tại phiên tòa ngày 8.5. Sau phần thẩm vấn công khai, xét thấy có những tài liệu, hồ sơ mà Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) Công an Q.12 thu thập chưa đầy đủ để giải quyết vụ án (như việc ông An làm móp cánh cửa xe ô tô của ông S.; việc xác định giá trị thiệt hại của cánh cửa xe hơi bị móp - cơ sở pháp lý mấu chốt để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông An). Do không thể bổ sung tài liệu, hồ sơ này ngay tại phiên tòa, nên HĐXX quyết định trả hồ sơ cho Viện KSND Q.12 để thực hiện điều tra bổ sung.
Cũng tại phiên tòa sáng 8.5, ông An khai rằng cho tới khi tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung lần đầu (nghĩa là xong thủ tục điều tra của Công an Q.12 và truy tố của Viện KSND Q.12 - PV) ông mới biết mặt điều tra viên Trương Công Bằng - người được phân công tạo lập hồ sơ điều tra theo pháp luật, mà trước đó chỉ làm việc với cán bộ điều tra tên Nguyễn Văn Hùng - người giúp việc cho điều tra viên. Từ những nội dung trên, có thể thấy việc HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung là nhằm giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật…
Tuy nhiên, ngày 10.5, Viện KSND Q.12 đã có Công văn số 118/CV-KVS-HS gửi TAND Q.12 với nội dung không trả hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an Q.12, giữ nguyên quan điểm truy tố và hoàn tất hồ sơ vụ án để đưa ra xét xử.
Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội), người bào chữa cho bị cáo An, cho biết: “Hồ sơ vụ án có nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng, Viện KSND Q.12 không trả hồ sơ điều tra bổ sung và giữ nguyên quan điểm truy tố là “làm khó” TAND Q.12. Bởi lẽ, đến nay TAND Q.12 đã hai lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, việc xét xử dựa trên hồ sơ có nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng sẽ có nguy cơ dẫn đến ban hành bản án không phù hợp quy định pháp luật”.
Bình luận (0)