Có rất nhiều nguyên nhân gây đau hông. Trong đó nguyên nhân thường gặp là do té ngã và chấn thương thể thao. Hầu hết các tổn thương này sẽ tự hồi phục sau vài ngày hoặc vài tuần, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Cơn đau hông dữ dội hoặc kéo dài thì người bệnh phải đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt |
SHUTTERSTOCK |
Tuy nhiên, đau hông dữ dội hoặc cơn đau kéo dài thành mạn tính có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Khi đó, đau hông có thể là triệu chứng của viêm khớp, viêm bao hoạt dịch, viêm gân, gãy xương hông, khối u trong xương hoặc hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi, tức căn bệnh mà chỏm xương đùi bị hoại tử do máu lưu thông kém.
Nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe trên có thể do chấn thương, lối sống kém lành mạnh và tuổi tác. Người cao tuổi sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh trên hơn là người trẻ.
Trên thực tế, một nghiên cứu công bố trên chuyên san Journal of Family Practice cho thấy gần 15% người trên 60 tuổi cho biết họ từng bị những cơn đau hông hành hạ.
Các chuyên gia khuyến cáo nếu cơn đau hông ập đến dữ dội, đau đến mức không thể chịu đựng được thì cần phải đến bác sĩ khám ngay lập tức.
Điều trước tiên bác sĩ làm là sẽ xác định nguyên nhân gốc rễ gây ra cơn đau, sau đó tìm cách điều trị. Nếu nguyên nhân là do chấn thương thì vật lý trị liệu, nghỉ ngơi và chườm đá sẽ là những lựa chọn điều trị tốt nhất.
Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ cần phải được phẫu thuật để chỉnh sửa các mô bị tổn thương. Nếu nặng hơn, bệnh nhân sẽ được khuyên cân nhắc thay khớp hông.
Nếu đau hông là do viêm khớp hoặc viêm mạn tính, bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau hoặc thuốc kháng viêm. Điều quan trọng là người bệnh cần đến khám bác sĩ chứ không nên tự tìm cách điều trị.
Các bài tập nhẹ nhàng và động tác giãn cơ như đi bộ, bơi lội có thể làm giảm đau hông, giúp người chấn thương hông mau phục hồi. Người bệnh cần lưu ý là phải chuyển động khớp hông một cách nhẹ nhàng và không nên vận động quá sức, theo Healthline.
Bình luận (0)