Tổng sản phẩm quốc nội là thước đo khá cũ kỹ. Khởi đầu khiêm tốn từ thời kỳ Đại suy thoái, GDP sau đó trở thành chỉ báo quan trọng cho các chính phủ và ngân hàng trung ương toàn cầu. Nhà đầu tư dài hạn phân bổ vốn dựa trên số liệu GDP, nhà giao dịch mua bán cổ phiếu, trái phiếu, các loại hàng hóa và tiền tệ ngay sau khi số liệu GDP hiển thị trên màn hình của họ.
Tuy nhiên, dù được tính bằng phương pháp nào, GDP đang ngày càng chật vật để theo kịp với tốc độ thay đổi kinh tế. Trong thời đại mà 10 USD có thể mua được một cái đĩa hoặc một tháng nghe nhạc trực tuyến không giới hạn, ngày càng khó để định giá sản lượng kinh tế. Khi chính phủ các nước giàu và những thị trường mới nổi gặp khó trong việc phục hồi tốc độ tăng trưởng cùng mức tăng năng suất của những thập kỷ trước, việc nghiên cứu ra hướng mới để đánh giá phù hợp nền kinh tế trở nên cấp bách.
“GDP là loại chỉ số dễ dàng bị chỉ trích nhưng khó được thay thế. Nếu các chính phủ đang quản lý kinh tế dựa trên số liệu này thì việc nói rằng chúng ta nên có một thước đo rộng lớn hơn là xứng đáng”, nhà kinh tế trưởng Paul Sheard tại S&P Global ở New York (Mỹ) cho hay.
Hãng môi giới chứng khoán Ambit Capital ở Mumbai (Ấn Độ) vừa tạo ra một chỉ số tiêu dùng, dựa trên doanh số bán xe và điện năng tiêu thụ, để thay thế các số liệu tăng trưởng chính thức. Việc này phản ánh thái độ hoài nghi, rằng nhiều công cụ đo lường hiện thời cũng không thể luôn đo đúng cả các phần truyền thống của nền kinh tế, và GDP quá nghiêng về các phiên bản lớn, ít được dùng trong việc ra những quyết định đầu tư tức thời.
|
Mối lo ngại đó đi cùng lo lắng cho rằng những nhà thống kê đang đo đạc nhầm thứ. Hồi tuần trước, Hiệp hội Quốc tế về Nghiên cứu Thu nhập và Tài sản họp tại Đức với lịch trình bị chi phối bởi các loại giấy tờ có câu hỏi về bất bình đẳng thu nhập, thay đổi công nghệ và tiêu chuẩn sống. Đây là các yếu tố chẳng dễ dàng được nhìn thấy trong số liệu GDP.
“Chuyện chỉ tập trung vào GDP hoặc tăng trưởng GDP trong nhiều cuộc thảo luận chính sách là sai lầm”, Olivier Blanchard, cựu chuyên gia kinh tế Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết. Ông dẫn ra hai ví dụ: những cuộc thảo luận ngày càng gia tăng về bất bình đẳng ở Mỹ, và sự chuyển đổi từ đầu tư sang tiêu dùng của Trung Quốc.
Một mối lo khác là số liệu GDP điều chỉnh ngày càng cách xa GDP sơ bộ, có nguy cơ khiến giới hoạch định chính sách và nhà đầu tư đưa ra quyết định sai. Dữ liệu hiện được điều chỉnh nhiều lần hơn và có sai số lớn hơn, theo nhóm chuyên gia tại UBS Group. Số liệu sơ bộ vốn khiến thị trường biến động “gần như luôn sai”. Do giá tài sản biến động theo số liệu kinh tế vĩ mô, "các ngân hàng trung ương nên rất, rất cảnh giác với thị trường phản ứng thái quá trong các cuộc thảo luận chính sách của họ”.
Mới đây, Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Atlanta Dennis Lockhart còn nghi vấn chuyện liệu số liệu chính thức cho thấy kinh tế Mỹ tăng trưởng chỉ 1,2% trong ba tháng kết thúc vào tháng 6 có phản ánh đúng thực tế hay không. Phó chủ tịch Fed Stanley Fischer sau đó cho hay ông kỳ vọng tăng trưởng GDP Mỹ sẽ đi lên, đưa dấu hiệu cho hay đợt tăng lãi suất năm 2016 vẫn đang được xem xét.
|
Tại Nhật Bản, một phân tích mới được ngân hàng trung ương thực hiện cho thấy thay vì sụt giảm hồi năm 2014, kinh tế nước này đã thực sự tăng trưởng mạnh. Mâu thuẫn giữa các số liệu từ chính phủ xuất hiện khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng nỗ lực cho ra báo cáo tốt hơn, chẳng hạn như mở chỉ số tiêu thụ riêng của họ. Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cho rằng cần có số liệu chính xác hơn.
Tại Anh, đánh giá độc lập được cựu hoạch định chính sách Charles Bean của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đề nghị việc chuyển đổi dữ liệu quốc gia. “Chúng ta cần cập nhật thống kê kinh tế hoặc phải vướng nguy cơ bỏ lỡ một phần quan trọng của nền kinh tế hiện đại từ các số liệu chính thức”, ông Bean viết hồi tháng 3.
Câu chuyện tương tự cũng xuất hiện trên thế giới. Thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Yves Mersch từng cảnh báo về tác động của thay đổi công nghệ trong bài phát biểu vào tháng 2. Hãng đầu tư Anh Stewart Investors thì cho biết: “Các nghiên cứu “vĩ mô” hiện tại từ những ngân hàng đầu tư chỉ tập trung vào các kỹ thuật tính toán rất thiếu sót để “đo lường” GDP”.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ Raghuram Rajan cũng từng cảnh báo về sự khó khăn trong đo lường tăng trưởng khi phải đối mặt với dân số già đi. Số liệu GDP nước này bị xem xét kỹ lưỡng từ khi phương pháp mới giới thiệu năm ngoái cho thấy kinh tế Ấn Độ vượt mặt Trung Quốc.
|
Trong báo cáo hồi tháng 6, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho hay dù GDP có thể thích ứng với nền kinh tế kỹ thuật số, nhiều thách thức vẫn tồn tại. Nadim Ahmad và Paul Schreyer, tác giả báo cáo, dẫn ví dụ giá trị của hãng Airbnb gần bằng Hilton Worldwide Holdings, nhưng ảnh hưởng từ hoạt động cho thuê nhà của Airbnb lên GDP thì khó định lượng hơn. Những dịch vụ kỹ thuật số có sức ảnh hưởng nhưng lại khó đong đếm như Wikipedia và hệ điều hành miễn phí Linux cũng tương tự. Hai cái tên này có tính chất toàn cầu “tập hợp”, khiến khả năng sử dụng và ảnh hưởng của chúng khó phù hợp trong khuôn khổ đo lường GDP truyền thống.
Hơn nữa, khi số hóa còn cả chặng đường dài phía trước, thách thức đặt ra với GDP chỉ tăng. Kinh tế Mỹ hiện mới dùng 18% tiềm năng kỹ thuật số, có thể thêm đến 2.200 tỉ USD vào GDP hằng năm đến năm 2025, theo Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey.
Dù vậy, hiện chưa có thước đo khác có thể thay thế GDP một cách thuyết phục. Frederic Neumann, trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Holdings ở Hồng Kông cho hay. Justin Wolfers, giáo sư kinh tế tại Đại học Michigan, thì cho biết nếu bạn kiểm tra thực tế GDP với các thước đo hạnh phúc, bạn sẽ nhận thấy sự tương quan rất cao.
“Chúng ta có thước đo này bỏ qua rất nhiều thứ, song đó là trên lý thuyết. Thực tế thì các nước có GDP cao vẫn làm tốt hầu hết những điều được coi là thực sự quan trọng. Đây là một trong những thứ không ổn về lý thuyết nhưng hiệu quả trong thực hành", ông Wolfers nhận định.
Bình luận (0)