Theo Bloomberg, đây là kết quả nghiên cứu mới nhất của Liên Hiệp Quốc (UN).
Có đến 43 quốc gia - đặc biệt là các nước châu Á trong đó có Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Bangladesh, Việt Nam - sẽ có nền kinh tế sụt giảm vì áp lực nhiệt độ thời tiết, Giám đốc Tord Kjellstrom của Health and Environment International Trust cho hay. Health and Environment International Trust có trụ sở ở New Zealand.
Vì áp lực nhiệt độ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc sẽ giảm 1%, Indonesia giảm 6% vào năm 2030. GDP các nước gồm Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Campuchia sẽ giảm gần 6% trong cùng năm.
Nhiệt độ cực nóng ở khu vực Đông Nam Á cũng sẽ làm giảm khoảng 15-20% số giờ làm việc hằng năm. Số liệu trên có thể tăng gấp đôi vào năm 2050 khi tình hình biến đổi khí hậu vẫn tiếp diễn, Tạp chí Y tế Công cộng xuất bản ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương hôm nay 19.7 cho hay.
Nghiên cứu này là một trong sáu nghiên cứu được Trường đại học Liên Hiệp Quốc ở Kuala Lumpur công bố, thể hiện chi tiết tác động của thay đổi khí hậu lên sức khỏe con người. Từ năm 1980 đến năm 2012, khoảng 2,1 triệu người trên thế giới đã chết vì nguyên nhân trực tiếp của gần 21.000 thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, lở đất, nắng nóng, hạn hán, gió lớn hoặc cháy rừng. 4.000 tỉ USD, tương đương với GDP hiện tại của Đức, biến mất vì các thảm họa trên.
|
“Với áp lực nắng nóng, bạn không thể có cùng cường độ làm việc, chúng ta sẽ thấy sự suy giảm trong tốc độ làm việc, gia tăng trong thời lượng nghỉ ngơi ở cách ngành công nghiệp tuyển dụng nhiều lao động. Các nước giàu có đủ nguồn tài chính để thích ứng với biến đổi khí hậu”, chuyên gia Kjellstrom nói.
Năm 2030, GDP Ấn Độ và Trung Quốc sẽ mất tổng cộng khoảng 450 tỉ USD. Tác động có thể được làm giảm bằng cách thay đổi đáng kể số giờ làm việc, xây dựng nhà máy mới cần ít năng lượng hơn trong việc làm mát.
Những nước có thu nhập thấp và trung bình có thể bị giảm hiệu suất lao động vì nắng nóng dù họ không góp phần nhiều vào nguyên nhân gây nên biến đổi khí hậu. Các quốc gia giàu hơn phần lớn tránh được tổn thất từ nhiệt độ cao. Nga, Na Uy và Thụy Điển có thể chứng kiến năng suất lao động giảm một chút khi thời tiết lạnh hơn vào mùa đông.
Ngoài ra, stress do thời tiết có nhiều khả năng hạn chế những việc làm đòi hỏi kỹ năng thấp và trả lương thấp, chẳng hạn như lao động nặng, làm nông và sản xuất. Điều này sẽ gia tăng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo.
Nhu cầu dùng máy điều hòa tại các văn phòng, trung tâm mua sắm và nhà ở cũng tỷ lệ thuận với nhiệt độ, đặt áp lực lên các đơn vị cung cấp điện. Theo nghiên cứu, thành phố có quy mô như thủ đô Bangkok của Thái Lan có thể cần thêm 2 gigawatt điện cho mỗi 1 độ C nhích lên.
tin liên quan
Tháng 4, thế giới nóng kỷ lụcTháng 4 là tháng nóng kỷ lục trên toàn cầu. Tuyên bố này nghe quen quen? Đó là 7 tháng liên tiếp thế giới phá kỷ lục về nhiệt độ. 2016 cũng đang trên đà trở thành năm nóng nhất lịch sử.
Bình luận (0)