Công thức nào đảm bảo... không lỗ ?
Ngày 3.8, phiên tòa phúc thẩm vụ án tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa VCPMC và Công ty cổ phần truyền thông Vietart (gọi tắt là Vietart) diễn ra tại Hà Nội. Tại phiên tòa sơ thẩm trước đó, phía Vietart đã thua kiện. Theo phán quyết, Vietart phải bồi thường thiệt hại cho VCPMC gồm nhuận bút, thanh toán chi phí lập vi bằng và chi phí mua vé vào xem để lập vi bằng tổng cộng hơn 210,81 triệu đồng. Đây cũng là con số mà VCPMC đưa ra khi khởi kiện Vietart về việc sử dụng mà không xin phép, trả tiền nhuận bút thù lao 20 tác phẩm nhạc trong chương trình ca nhạc Chuyện của mùa đông (ngày 17.1.2019 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia).
Con số đưa ra tổng cộng hơn 210,81 triệu đồng như trên, trong đó số tiền nhuận bút thù lao được tính theo công thức 5% x 70% số lượng ghế x bình quân giá vé, con số cụ thể là 205,76 triệu đồng. Nguyên đơn VCPMC cũng yêu cầu Vietart phải xin lỗi công khai trên báo trung ương.
Tại phiên tòa ngày 3.8, hai bên tranh luận khá nhiều xung quanh con số bồi thường cũng như công thức tính bồi thường. Viện Kiểm sát cũng hỏi VCPMC về lý do đưa ra và áp dụng công thức này.
Phía VCPMC cho biết, con số trên được đưa ra căn cứ vào quá trình trung tâm đi cấp phép, có tham khảo thêm công thức của các tổ chức bản quyền trên thế giới. Phía VCPMC cho biết nếu theo số lượng mỗi ngày cuối tuần có hàng trăm buổi biểu diễn thì VCPMC không thể cho 100 người đến để đếm số người xem. Vì thế, đơn vị này căn cứ vào phần khai của đơn vị biểu diễn, tính bình quân và ra con số đó.
Trong khi đó, phía Vietart cho rằng con số tác quyền này đưa ra bất hợp lý. Theo Vietart, công thức tính 5% x 70% số lượng ghế thiếu căn cứ thực tế, vì không phải chương trình nào cũng bán được số lượng như vậy. Cách tính phí như vậy thể hiện sự áp đặt biểu mức. Vietart cũng đưa ra con số doanh thu để chứng minh số tiền VCPMC yêu cầu là vô lý.
"Bản thân chương trình Chuyện của mùa đông, doanh thu thực tế cũng chỉ đạt 200 triệu đồng, thấp hơn cả khoản tiền tác quyền mà phía VCPMC yêu cầu. Như vậy, việc thu số tiền tác quyền này là không phù hợp, nhất là trong điều kiện nghệ thuật biểu diễn và nền kinh tế khó khăn như hiện nay", phía Vietart nêu.
Tranh cãi về giá trị pháp lý của biểu mức thu tác quyền
Trong tranh luận tại tòa, các bên cũng tranh cãi về sự hợp lý, giá trị pháp lý của biểu mức thu tác quyền mà VCPMC đưa ra. Phía Vietart cho biết họ đã từng thỏa thuận về tác quyền với tác giả, dù tác giả có ủy quyền cho phía VCPMC. Theo đó, số tiền thỏa thuận với nhạc sĩ thấp hơn so với mức giá nếu thực hiện với VCPMC. Cụ thể, với nhạc sĩ Bảo Chấn, ông đã ký hợp đồng cho sử dụng 10 bài hát của mình trong 3 đêm nhạc với giá 3 triệu đồng/bài (từ 14 - 16.10.2022 tại Cung Hữu nghị Việt Xô). Vietart cũng đưa ra một hợp đồng từng ký với VCPMC hồi năm 2017 và một hợp đồng khác vào năm 2018. Theo đó, cả hai đã ký hợp đồng sử dụng với mức phí tác quyền là 440.000 đồng/tác phẩm, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). Trên cơ sở đó, bị đơn muốn trả tiền tác quyền với giá 440.000 đồng/tác phẩm (đã bao gồm VAT).
Phía Vietart cho rằng biểu mức giá nêu trên do trung tâm tự ý ban hành, chưa có ý kiến của các cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, Bộ VH-TT-DL, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL). Công thức tính tiền nhuận bút của trung tâm không hợp lý, mang tính chất tính khoán. Điều này không có sự công bằng giữa các chương trình, các tác giả.
Phía VCPMC đưa ra dữ kiện năm 2019, thời điểm tổ chức đêm nhạc Chuyện của mùa đông. Đó là dữ kiện của các đơn vị cũng tổ chức show cùng thời điểm với Vietart, cùng địa điểm Trung tâm Hội nghị quốc gia, nhưng họ đã thu được tiền sử dụng mỗi tác phẩm là hơn 12 triệu đồng.
Quá trình tranh tụng tại tòa án có câu hỏi nêu ra về việc: Biểu phí VCPMC đưa ra có giá trị pháp lý thế nào? Liệu tất cả các tác giả ủy quyền cho trung tâm có được hỏi ý kiến mỗi khi có thay đổi biểu phí, hoặc có thay đổi người tham gia ủy quyền tác phẩm hay không (người sở hữu quyền mất, mở thừa kế…)? Biểu phí mà VCPMC đưa ra có buộc phải có ý kiến của các cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, Bộ VH-TT-DL, Cục Bản quyền tác giả hay không? Phía Vietart đặc biệt lưu ý việc này, họ cho rằng biểu phí mà VCPMC đưa ra cần có ý kiến của các cơ quan chức năng trên. Thông tin tại phiên tòa cũng cho biết, hiện VCPMC đã xong biểu phí để thu tác quyền từ ngày 24.6, tuy nhiên biểu phí này hiện chưa trình Bộ VH-TT-DL.
Kết thúc phiên xử, chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Mai Anh Tài đề nghị cả hai bên bổ sung tài liệu, chứng cứ để có thể xem xét tiếp vụ việc. Thứ nhất, yêu cầu VCPMC cung cấp thêm tài liệu liên quan đến việc ủy quyền. Thứ hai, cung cấp tài liệu hợp đồng giữa trung tâm và các đơn vị tổ chức sự kiện ở thời điểm năm 2019 để chứng minh cho việc yêu cầu của mình. Vietart cũng cung cấp thêm một số chứng cứ về việc ký tác quyền với các tác giả trong giai đoạn đó để xem xét toàn bộ vụ án.
Bình luận (0)