Những ngày này, ai sành ăn nấm thì sẽ không khỏi thèm thuồng cái hương vị đặc trưng của nấm mối mà tranh thủ tìm tìm ngó ngó ở các chợ, dù giá bán khá cao…
>> Diệu kỳ nấm mối Bến Tre
>> Mùa mưa, về quê ăn canh nấm mối lá lốt
|
Vốn sinh ra và lớn lên ở miền Tây nên tôi cũng ghiền hương vị nấm mối lắm! Vừa rồi đi chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh) thấy một chị bán rau có rổ nấm mối nho nhỏ nằm gọn lỏn, tôi mừng quýnh nhào vô hỏi liền. Chị bán rau trả lời mà không thèm nhìn mặt khách: “450gr đó, giá 180.000 đồng, không bớt ”. Nếu là mặt hàng khác thì tôi sẽ “đi một nước”, không thèm mua, thế nhưng vì nấm mối là đặc sản, mình muốn tìm mấy ngày qua nên không thèm “chấp nhất”. Kiểm tra thấy cây nấm chắc ngon, chất lượng, tôi mua luôn mà không mặc cả.
Nấm mua xong, tôi treo lủng lẳng ở tay lái xe, trên đường ra khỏi chợ liền có một chị khách vịn lại hỏi mua ở đâu, giá bao nhiêu, chỉ chỗ mua với vì cả nhà chị rất thích ăn nấm mối mà tìm mấy hôm rồi vẫn chưa thấy. Chị ấy cho biết, một người bạn đã mua ở chợ Bến Thành với giá đến 500.000 đồng/kg. “Vậy là hôm nay mình may mắn, lúc sáng mà còn nằm nướng, đi chợ trễ hơn tí là không mua được rồi…” - tôi vừa đi vừa thầm nhủ.
Giờ không chỉ ở miền quê, mà người Sài Gòn cũng dần biết thưởng thức loại nấm này khiến cho giá nấm mối ngày một tăng cao sau mỗi năm. Nấm mối vừa ngon vừa quý hiếm, một năm chỉ mọc một lần vào đầu mùa mưa và chỉ kéo dài từ 1-2 tháng, trên những gò đất cao trong các vườn cây ăn trái lâu năm.
Không biết có phải nấm do con mối sinh ra không, nhưng theo ba và ông tôi thì nấm có được do các ổ mối nằm sâu dưới lòng đất, tiết ra một loại dịch mà khi gặp thời tiết thuận lợi (khô hanh nhiều ngày, sau đó mưa xuống) là nấm mọc lên nên người ta gọi nấm mối.
Đặc biệt, nếu vườn cây ăn trái nào mà chủ phun thuốc trừ sâu bị ngấm xuống đất thì nấm sẽ không mọc chỗ ấy nữa. Nên nấm mối còn được quý ở độ sạch, lành tính, giàu dinh dưỡng, rất tốt cho sức khỏe.
Tuy rất ngon nhưng mẹ ít khi gửi từ Bến Tre lên cho chị em tôi, trừ khi phải gửi theo xe đò từ sáng sớm vì không như những loài nấm khác, nấm mối rất nhanh tàn. Vòng đời của nó rất ngắn, mọc vào lúc 2 - 3 giờ khuya, đến khoảng 5 giờ sáng thì mọc rộ, đến 9-10 giờ là nở bung và 12 giờ trưa bắt đầu tàn lụi, để đến chiều hoặc qua hôm sau là coi như bỏ, không thể ăn được nữa.
|
Nên ngày xưa, đến mùa nấm mối là từ tờ mờ sáng ba tôi đã đi rảo quanh vườn tìm nấm. Chỗ nào mọc nhiều ba tôi sẽ ngửi được cả hương. Khi đi nhổ nấm phải mang theo cái dao có lưỡi dài nhọn để đào đất. Nhổ nấm mối cũng phải đúng cách là nhổ sâu tận gốc. Bởi phần thân ngon ngọt hơn phần mũ nấm. Chỗ ăn có vị ngọt lại dai dai như thịt gà cũng chính là phần thân và gốc nấm. Có khi từ chỗ tiếp xúc giữa nấm với đất ba tôi đào sâu thêm cả 10cm nữa mới lấy hết phần gốc nấm lên. Mang về cạo đất rồi ngâm vào nước khoảng 10-15 phút là cây nấm sạch trơn.
Còn khi mua nấm bán ngoài thị trường thì người mua cũng phải biết cách lựa mới có được những tai nấm ngon. Nếu không sẽ rất dễ gặp những tai nấm bị giòi đục không ăn được. Cách nhận diện những tai nấm này là cầm lên thấy khá nhẹ, dùng tay bóp nhẹ vào thân thấy xốp mềm, giòi bên trong sẽ bò ra.
Người miền Tây chế biến nấm mối thành rất nhiều món ngon như làm bánh xèo, xào, nướng lá cách, nấu bánh canh, nấu canh hay kho lạt, kho nước cốt dừa… Món nào cũng ngọt ngon mà không cần nấu chung với thịt cá gì cả.
Đặc biệt, khi nêm không nên để gia vị nhiều vì sẽ làm mất hương vị thơm ngon, ngọt béo đặc trưng của loại nấm trời cho. Là người được ăn cả chục món làm từ nấm mối, tôi thấy tuyệt nhất vẫn là món nấm mối nướng lá cách.
Người không quen ăn lá cách thì có thể nướng cùng lá lốt. Các bà thì bảo ngon hết sẩy còn các ông xuýt xoa bảo nhậu hoài không ngán. Bởi với món này vị ngọt của nấm hầu như được giữ nguyên.
Cách làm rất đơn giản, chỉ cần ướp với tí muối, ớt, đường, muối, bột ngọt rồi mang nướng trên bếp than hồng, nấm vừa chín mang xuống ăn liền, ngon hết ý…
Cẩm Nhi
Bình luận (0)