Đấu thầu để đào tạo giáo viên?

Quý Hiên
Quý Hiên
01/05/2021 08:11 GMT+7

Khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm từ năm học 2021 - 2022, tôn chỉ mà Bộ GD-ĐT đặt ra là lấy chất lượng làm ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn (ảnh) khi chia sẻ với phóng viên Thanh Niên.
Đấu thầu để đào tạo giáo viên?1

ẢNH: THANH HÙNG

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Nghị định (NĐ) 116/2020 về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên (SV) sư phạm (SP) có những điểm mới hết sức quan trọng. Mức hỗ trợ đối với người học cao hơn hẳn trước kia, ngoài học phí còn hỗ trợ sinh hoạt phí.
NĐ cũng đòi hỏi việc đào tạo gắn với năng lực đào tạo của cơ sở và nhu cầu sử dụng giáo viên (GV) của địa phương và xã hội. Đó là điều quan trọng để người học có định hướng ra trường sẽ có được việc làm ở đâu.

Xác định nhu cầu giáo viên căn cứ vào trường công và tư

Nhiều đại biểu băn khoăn về khoảng cách giữa nhu cầu thực tế và nhu cầu tuyển dụng ở các địa phương. Vậy Bộ sẽ hướng dẫn địa phương thế nào trong xác định nhu cầu GV, để căn cứ vào đó đặt hàng với các cơ sở đào tạo?
Ngành GD-ĐT có những chuẩn mực về điều kiện tổ chức hoạt động dạy học, về số lượng học sinh/lớp học, về số lượng GV/lớp, từ đó xác định nhu cầu về đội ngũ GV. Tuy nhiên, ngành nội vụ lại có những giới hạn về chỉ tiêu biên chế. Vừa rồi Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo điều chỉnh về việc xác định chỉ tiêu biên chế trong ngành giáo dục. Theo đó, ngành giáo dục không giống các ngành khác là có thể giảm chỉ tiêu biên chế một cách hành chính, mà số lượng GV phải đáp ứng nhu cầu tương ứng với sự gia tăng của dân số và quy mô của trường lớp. Chính phủ vẫn đang chỉ đạo để giải quyết. Bộ sẽ kết hợp với Bộ Nội vụ để đưa ra những đề xuất rất cụ thể, để khi đó sẽ cân đối được giữa nhu cầu và tuyển dụng.
Nhu cầu tuyển dụng có tính thời điểm và là nhu cầu trước mắt, mà đào tạo thì không thể dựa vào nhu cầu này. Đào tạo là phải dựa vào nhu cầu GV của 3 - 4 năm sau. Bộ cũng sẽ làm rõ việc này trong công văn hướng dẫn để giúp địa phương thuận lợi trong việc xác định nhu cầu. Các địa phương cũng lưu ý, khi xác định nhu cầu GV thì không chỉ căn cứ vào các trường công lập mà còn cả các trường ngoài công lập. Vì thế, phải dựa trên các con số thống kê dự đoán về học sinh trong độ tuổi, số lượng lớp học, căn cứ yêu cầu về chuyên môn của Bộ, từ đó sẽ có được dự báo về nhu cầu GV tương đối chính xác.

Không nhất thiết phải đấu thầu để đào tạo

Trong NĐ có nội dung là đấu thầu để đào tạo. Vừa qua đã có nhiều ý kiến lo ngại về nội dung này, ông nghĩ sao?
NĐ đưa ra 3 hình thức thực hiện. Một là giao nhiệm vụ, cái này thì các cơ quan nhà nước đã quen rồi. Thứ hai là đặt hàng. Thứ ba là đấu thầu, đây là hình thức mới, mang tính chất cạnh tranh mạnh nhất. Nó chỉ cần thiết với địa phương có yêu cầu rất cao về chất lượng đào tạo GV, đòi hỏi sự cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo. Nhưng NĐ không bắt buộc các địa phương phải lựa chọn hình thức đấu thầu, mà có thể giao nhiệm vụ (với cơ sở đào tạo trực thuộc), hoặc đặt hàng. Với đặt hàng, Bộ sẽ có cơ chế hỗ trợ để giúp các địa phương có một danh sách cơ sở đào tạo theo từng ngành mà địa phương có nhu cầu, từ đó để có sự lựa chọn phù hợp. Quy trình đặt hàng sẽ đơn giản hơn nhiều so với đấu thầu.
Chúng ta cần phải thống nhất với nhau về cách tiếp cận NĐ, đó là cần sự đổi mới về tư duy trong việc đáp ứng nhu cầu của xã hội trong nâng cao chất lượng đào tạo GV. Cho nên, dù là với hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, hay đấu thầu, chúng ta không nhìn nhận ở góc độ thị trường, cũng không nhìn nhận ở góc độ kinh tế kế hoạch, mà chỉ muốn thúc đẩy tinh thần chủ động của các trường và các địa phương. Địa phương phải xác định nhu cầu, công bố công khai nhu cầu; còn các trường phải công khai năng lực đào tạo, chất lượng đào tạo. Từ đó tạo ra một hệ thống vận hành trơn tru, cân đối giữa cung và cầu, tạo tiền đề để thu hút SV giỏi theo nghề SP.

Thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm

Bộ quyết tâm thực hiện NĐ ngay từ khóa tuyển sinh cho năm học 2021 - 2022, nhưng theo chia sẻ của các địa phương, thì vẫn còn nhiều băn khoăn chưa thể giải tỏa ngay?
Đúng là còn những khó khăn không thuộc phạm vi giải quyết của NĐ mà đòi hỏi có sự vào cuộc của các bộ ngành khác, đặc biệt Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ... Chúng tôi cũng xác định năm đầu tiên triển khai NĐ sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng Bộ và các địa phương, các cơ sở đào tạo GV cũng đã thống nhất được với nhau về tinh thần quyết tâm thực hiện, trên cơ sở đảm bảo 3 nguyên tắc.
Thứ nhất, lấy chất lượng làm ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động thực hiện NĐ, bởi mục tiêu chính là tuyển sinh và chất lượng đào tạo tốt hơn, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng - sử dụng GV của các địa phương.
Thứ hai, làm sao đảm bảo cân đối cung và cầu. Các giải pháp, đề xuất được đưa ra chính là nhằm tối ưu hóa, cân đối tốt nhất giữa nhu cầu tuyển dụng, sử dụng với năng lực, chỉ tiêu đào tạo của các cơ sở đào tạo GV. Tất nhiên, NĐ không thể giải quyết triệt để về đảm bảo cân đối cung - cầu. Đặc biệt, chúng ta cần tôn trọng cơ chế thị trường, lựa chọn của người học và quy trình tuyển dụng sau này.
Thứ ba là công khai minh bạch. Muốn đảm bảo chất lượng, các địa phương cần công khai rõ tiêu chí lựa chọn, nhu cầu; các trường công khai rõ tình hình tuyển sinh năm trước, năng lực, chất lượng đào tạo, tỷ lệ SV có việc làm… để địa phương và người học cùng đánh giá, lựa chọn.
Quan trọng là những người có trách nhiệm trong triển khai NĐ phải hiểu rõ những nội dung căn cốt; đồng thời bàn thảo những vấn đề vướng mắc, những khó khăn phát sinh trong thực tế, gửi lên Bộ để tiếp tục hoàn thiện dự thảo hướng dẫn. Từ đó, thống nhất phương thức triển khai, đi đến phối hợp đồng bộ trong toàn hệ thống, triển khai thành công NĐ, mang lại lợi ích tốt nhất cho người học, thu hút SV giỏi vào học các ngành SP. Với những vấn đề ngoài thẩm quyền, Bộ sẽ tổng hợp, đề xuất, kiến nghị lên cấp cao hơn để cùng nhau tháo gỡ.
Phải thu hút người giỏi học ngành sư phạm
NĐ 116 là một tín hiệu rất mừng cho SV ngành SP, từ nay ra trường không còn sợ “thất nghiệp”, SV cũng được chọn địa phương để về làm việc sau khi ra trường. Ngoài những giải pháp được bàn thống nhất, Bộ nên giải quyết thêm một số vấn đề sau:
Bộ nên tổ chức cơ cấu lại hệ thống các trường SP chất lượng trọng điểm để tránh làm phân tán dàn trải về nguồn nhân lực, vật lực, tài lực của xã hội.
SV SP tốt nghiệp, ngoài việc chọn địa phương về làm việc cần có thêm quyền được chọn trường để giảng dạy theo trình tự ưu tiên căn cứ vào điểm tốt nghiệp từ cao đến thấp. Điều này là động lực để SV SP nỗ lực phấn đấu học tập rèn luyện để đạt được kết quả tốt và đây chính là lợi thế cho những người có sự cố gắng. Chẳng hạn, SV tốt nghiệp xuất sắc được ưu tiên quyền chọn trường dạy.
Số GV SP ra trường từ trước năm 2021, đang thất nghiệp thì cần phải được thống kê đầy đủ và được xem xét giải quyết tuyển dụng trước. Nếu không, việc thừa - thiếu cục bộ khó được giải quyết căn cơ. Đây cũng là giải pháp giúp SV SP an tâm khi ra trường là có việc làm.
Cần tuyển chọn đầu vào ngành SP có chất lượng tốt nhất, phải làm sao để thu hút được các em giỏi. Nhất định không chạy theo chỉ tiêu để “vơ bèo gạt tép”.
Nguyễn Văn Lực
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.