'Đấu thầu đường đường chính chính như doanh nghiệp tư nhân có vấn đề gì đâu'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
05/04/2023 18:03 GMT+7

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng đấu thầu ở khu vực nhà nước vướng mắc chủ yếu là do tổ chức thực hiện. Thực tiễn cho thấy, các doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn sử dụng phương thức đấu thầu mà rất hiệu quả và không có vấn đề gì.

"Cái gì cũng xin Quốc hội chỉ định thầu, sau này trách nhiệm thế nào"

Chiều 5.4, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, góp ý dự án luật Đấu thầu sửa đổi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) bày tỏ băn khoăn với đề xuất chỉ dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước phải đấu thầu thay vì tất cả các dự án có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước như hiện nay.

'Đấu thầu đường đường chính chính như doanh nghiệp tư nhân có vấn đề gì đâu' - Ảnh 1.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ

GIA HÂN

Theo ông Hạ, thực tiễn vừa qua cho thấy, các doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng sử dụng phương thức đấu thầu mà rất hiệu quả và không có vấn đề gì. Dự án sử dụng ngân sách là tiền của Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp nhà nước chỉ là đại diện chủ sở hữu với "trách nhiệm hữu hạn" thì càng phải đấu thầu.

"Theo tôi nên khuyến khích tất cả phải áp dụng đấu thầu", ông Hạ nêu quan điểm.

Với đề xuất bổ sung nhiều trường hợp chỉ định thầu, giảm trường hợp đấu thầu trong dự thảo luật do đấu thầu gặp nhiều vướng mắc, ông Hạ cho rằng đấu thầu ở khu vực nhà nước vướng mắc chủ yếu là do tổ chức thực hiện.

"Bởi vì từ khi xây dựng hồ sơ mời thầu đã tính ra điều khoản gì, làm sao để đơn vị này trúng thầu, rồi bao thầu, rồi đủ thứ... mới dẫn đến đấu thầu khó khăn, chứ còn làm đường đường chính chính như đơn vị bên ngoài có vấn đề gì đâu", ông Hạ nhấn mạnh.

"Chúng ta đang cần công khai, minh bạch, thậm chí là đảm bảo cam kết quốc tế, vào sân chơi chung mà chúng ta vẫn thế này thì tôi cho là không nên", ông Hạ nêu quan điểm.

Với việc bổ sung quy định cho phép chỉ định thầu với các gói thầu thuộc dự án quan trọng quốc gia theo nghị quyết của Quốc hội khi phê duyệt chủ trương đầu tư tại dự thảo luật, ông Hạ cũng bày tỏ băn khoăn.

Ông phân tích Quốc hội chỉ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, chủ trương này khác với chủ trương chỉ định thầu.

Chỉ định thầu là mục đích, tổ chức thực hiện. Quốc hội không chịu trách nhiệm về vấn đề này được. Quốc hội chúng ta giám sát cái này như thế nào? Vừa rồi có chuyện cái gì cũng xin chỉ định thầu, thẩm quyền của Chính phủ cũng xin Quốc hội. Quốc hội đồng ý thì thực hiện. Sau này có vấn đề thì trách nhiệm của Quốc hội ở đâu? Chúng ta có ngồi xem lại trách nhiệm của Quốc hội không?

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục

Chỉ định thầu thì tất cả dự án sẽ vào công ty lớn

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc chỉ định thầu trong trường hợp đặc biệt là hết sức cần thiết.

'Đấu thầu đường đường chính chính như doanh nghiệp tư nhân có vấn đề gì đâu' - Ảnh 3.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến tại hội nghị chiều 5.4

GIA HÂN

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, hiện nay nhiều chủ đầu tư không dám chỉ định thầu vì các quy định ràng buộc trách nhiệm rất lớn khi các nhà thầu được chỉ định không hoàn thành dự án như cam kết. Trong khi đó, việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, giáo dục hiện nay rất khó khăn.

Từ đó, ông Hòa đề nghị Quốc hội cân nhắc quy định cụ thể để chủ đầu tư dám chỉ định thầu như cho phép được giảm giá dưới 1%, miễn đảm bảo chất lượng tốt.

Tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu, ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (cơ quan thẩm tra dự án luật), cho biết đấu thầu nhằm lựa chọn nhà thầu chất lượng, giá cả hợp lý, song mục tiêu cao hơn là nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh, bình đẳng cho các nhà sản xuất, cung cấp có thể tham gia các gói thầu cả khu vực công và tư.

"Nếu chỉ thông qua con đường chỉ định thầu thì tất cả những dự án sẽ vào những công ty lớn. Sau đó, công ty lớn chia nhỏ các gói thầu cho các công ty khác. Khi đó, những công ty khởi nghiệp sáng tạo sẽ không bao giờ tham gia được vào", ông Toàn phân tích.

Xem nhanh 20h ngày 5.4: Phí bôi trơn khủng vụ ‘chuyến bay giải cứu’ | Việt Nam có 6 tỉ phú USD

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.