Quyết định chuyển giao 10 cơ sở nhà, đất công sản (tổng diện tích hơn 7.100 m2), trong đó có nhiều khu "đất vàng" nằm ở vị trí đắc địa cho UBND các quận, huyện quản lý sử dụng vào mục đích công cộng do UBND TP.Đà Nẵng vừa ban hành đã làm nức lòng người dân sau khoảng thời gian lùm xùm "đất vàng" bị tư nhân thâu tóm và đã có nhiều người phải trả giá...
Mới đây, UBND TP cũng có tờ trình về dự án Trường liên cấp TH-THCS Hòa Thuận Đông và mở rộng K149 Lê Đình Lý trên khu "đất vàng" hơn 7.000 m2 đường Nguyễn Tri Phương. Dự án sẽ giải quyết nhu cầu bức thiết về trường lớp cho khoảng 1.560 học sinh do 3 phường trong khu vực chưa có trường THCS. Hay sau nhiều năm hoang phế, di tích Chăm Phong Lệ sẽ được đầu tư thành Bảo tàng Điêu khắc Chăm - cơ sở 2, tổng mức đầu tư hơn 140 tỉ đồng…
Có thời điểm, TP.Đà Nẵng như một "đại công trường". Việc phát triển quá "nóng" cũng để lại hệ lụy, như: nhiều công trình có giá trị văn hóa bị vùi dập, nhiều di tích lịch sử bị lãng quên hay thậm chí bị xâm hại thô bạo (như di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải)…
Tôi nhớ NSND Huỳnh Văn Hùng, nguyên Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng, từng dẫn ví von của một nhà nghiên cứu nước ngoài rằng kinh tế và văn hóa giống như "cái chân ga và cái chân phanh trên một chiếc ô tô". Chỉ nhấn chân ga thì ô tô sẽ lao đến phía trước nhưng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể gây tai nạn. Do vậy, cần phải dùng cái chân phanh để điều tiết tốc độ, giữ cho ô tô được an toàn.
Sau một thời gian phát triển "nóng", Đà Nẵng đã có sự "chậm lại" để nhìn nhận, đánh giá và có sự đầu tư phù hợp cho "cái chân phanh". "Chân phanh" một khi được quan tâm đúng mức không những tạo sự an toàn, điểm tựa cho phát triển kinh tế mà còn tạo được sự an tâm, sự đồng thuận trong nhân dân. Càng ý nghĩa hơn, nếu "chân phanh" được đầu tư bài bản, hình ảnh một TP du lịch như Đà Nẵng không chỉ đẹp lên mà đời sống người dân cũng sẽ được cải thiện nhờ việc thu hút du khách trong và ngoài nước.
Bình luận (0)