Đầu và mặt bị ngứa ran: Khi nào là tình huống khẩn cấp?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
21/06/2023 00:09 GMT+7

Hầu hết chúng ta đều từng bị ngứa ran ở một bộ phận cơ thể nào đó. Tuy nhiên, ngứa ran và đau ở đầu, mặt có thể gây lo lắng, đặc biệt nếu là lần đầu mắc phải tình trạng này. Một số nguyên nhân có thể tự điều trị tại nhà, số khác là dấu hiệu cảnh báo vấn đề nghiêm trọng và cần phải được điều trị.

Cảm giác ngứa ran và đau ở đầu, mặt có thể do các vấn đề sức khỏe sau:

Cơn hoảng loạn

Cơn hoảng loạn thường ập đến một cách bất ngờ, gây căng thẳng dữ dội, bồn chồn và hoảng sợ. Tình trạng này cũng gây ra các vấn đề về thể chất như ngứa ran vùng đầu và mặt, tim đập nhanh, đau ngực, buồn nôn và run rẩy, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health (Mỹ).

Đầu và mặt bị ngứa ran: khi nào là tình huống khẩn cấp ? - Ảnh 1.

Tổn thương dây thần kinh có thể gây cảm giác tê ngứa và đau trên da mặt, đầu

SHUTTERSTOCK

Nếu tính trạng này lặp đi lặp lại thì cần đến bác sĩ điều trị. Phương pháp điều trị có thể kết hợp cả thuốc của bác sĩ tâm thần và trị liệu tâm lý.

Các loại thuốc thường được dùng để điều trị cơn hoảng loạn là thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI), thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI), thuốc chẹn beta và một số loại chống lo âu khác. Với trị liệu tâm lý, người bệnh sẽ được áp dụng liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), nhờ đó biết cách ứng phó trước và trong lúc cơn hoảng loạn đang xảy đến.

Thiếu vitamin B12

Thiếu vitamin B12 thường gây tê và ngứa ran ở bàn tay, bàn chân. Tuy nhiên, một số người lại gặp các triệu chứng này ở mặt và đầu. Các triệu chứng thiếu vitamin B12 khác gồm khó đi lại hoặc khó giữ thăng bằng, sưng lưỡi, trí nhớ kém, yếu cơ và mệt mỏi.

Tình trạng thiếu vitamin B12 có thể khó phát hiện sớm được vì các triệu chứng này thường xuất hiện một cách từ từ và ngày càng rõ rệt qua thời gian. Để bổ sung vitamin B12, người mắc có thể dùng thực phẩm bổ sung hoặc ăn các món giàu vitamin B12 như thịt bò, cá mòi, cá ngừ, cá hồi, gan động vật, ngao và sữa.

Tổn thương thần kinh

Cảm giác ngứa ran hoặc tê ở mặt, đầu còn có nguyên nhân là do tổn thương thần kinh hay dây thần kinh bị chèn ép. Nếu các dây thần kinh dẫn lên vùng đầu bị tổn thương hay chèn ép sẽ làm rối loạn chức năng truyền dẫn xung thần kinh, gây tê ngứa da mặt và đầu.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể do tác hại từ bệnh tiểu đường, đau nửa đầu, vấn đề răng miệng, căng thẳng tinh thần hay do tai nạn. 

Cách điều trị có thể kết hợp vật lý trị liệu với thuốc. Bác sĩ có thể dùng các loại thuốc kháng viêm như aspirin để giảm đau dây thần kinh, một số trường hợp có thể chỉ định tiêm corticosteroid. Nếu vấn đề thần kinh là do bệnh lý tiềm ẩn thì sẽ điều trị căn bệnh đó.

Huyết áp cao

Đầu và mặt bị ngứa ran: Khi nào là tình huống khẩn cấp? - Ảnh 2.

Kiểm tra huyết áp

SHUTTERSTOCK

Trong một số ít trường hợp, huyết áp cao có thể gây tê hoặc ngứa ran ở đầu, mặt và tứ chi. Đây là trường hợp tăng huyết áp nghiêm trọng, có thể gây tổn thương não, tim, thận và cần phải được cứu chữa khẩn cấp.

Người bệnh cần phải đi cấp cứu nếu huyết áp tăng cao hơn 180/120 mmHg. Khi đó, cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, đau ngực dữ dội, nôn mửa, nhìn mờ, co giật và khó thở. Hầu hết trường hợp tăng huyết áp đến mức nguy hiểm này là người bị huyết áp cao mạn tính, theo Verywell Health.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.