Dâu vườn, dâu phố

18/02/2013 03:10 GMT+7

Năm nay nhà bà chị mình có cô dâu mới từ Đà Lạt về. “Còn mùng” nên mình, vai cậu, ghé lại tính kiếm vài ly “an khang, thịnh vượng” nữa. Nhưng…

Từ rượu vang chuyển sang rượu… động

Vừa bước lên thềm mình vừa nói cháu dâu của tui đâu rồi, mừng tuổi cậu chút “vang” chớ. Lập tức bà chị kéo mình ra góc sân, nói: “Cậu ơi, lòng dạ nào mà rượu với chè. Dâu cũ, dâu mới hục hặc mấy bữa nay. Tui đang buồn nẫu ruột đây...”.

Dâu cũ chính gốc miệt vườn, giỏi giang đồng áng ruộng nương. Còn dâu mới là dân thị thành, nghe nói đang làm nghiên cứu sinh gì đó, “nhiều chữ” lắm. Sau bữa tiệc là bữa… rửa mâm chén tú hụ thấy bắt ớn. Dâu cũ màu mè bảo dâu mới nghỉ đi, để chị rửa cho, có mấy cái chén chớ nhiều nhặn gì. Dâu mới “OK” ngay, hun dâu cũ cái “chụt”, nói chị dễ thương quá chời rồi đứng dậy cái rẹt. Nàng lên nhà trên uống trà, nói chuyện phố xá văn minh thế này, hiện đại thế kia… rồi lên xe tay ga, cùng chồng vù đi họp lớp đầu xuân.

Ở nhà, việc khách khứa, nấu đồ cúng ông bà, soạn mâm, dọn dẹp, rửa chén… trăm thứ đều đổ lên đầu dâu cũ. Bữa đầu không sao, mấy bữa sau bước chân dâu cũ mỗi lúc một nặng hơn, tiếng rửa chén khua rổn rảng một cách… bất thường. Hát ru con, dâu cũ cứ nhấn đi nhấn lại mấy câu đầy trắc ẩn: “Ầu ơ… dâu nào dâu nấy mẹ cũng thương. Dâu cũ thương thường dâu mới thương hơn”. Mẹ chồng hiểu ý nhắc dâu mới dọn dẹp giúp chị một tay. Dâu mới nói chị “miễn trừ” cho con rồi. Với lại có muốn giúp cũng không được vì đôi găng tay “chuyên dụng” để rửa chén của con lạc đâu mất tiêu.

Mấy ngày tết em chồng dẫn bạn về ăn nhậu liên miên. Vẫn một tay dâu cũ xào nấu bưng bê. Dâu mới làm như… khách, tỉnh bơ “một hai ba dzô” làm dâu cũ tức muốn điên lên. Tàn tiệc, cả nhóm kéo đi nhà khác. Dâu cũ và mẹ chồng phải lui cui dọn dẹp bãi chiến trường. Chịu hết nổi, dâu cũ bóng gió xỏ xiên. Nhưng dâu mới vẫn hồn nhiên nói cười phe phé. Dâu cũ kéo chồng vào “cuộc chiến”. Ông anh trách thằng em vô tâm. Thằng em bảo ông anh bênh vợ. Dâu mới, dâu cũ không ngó mặt nhau… “Tình hình vậy mà cậu còn đòi rượu vang. Rượu… động thì có”, chị mình ngao ngán nói.

Treo bảng vắng nhà

Chị kể tiếp: bọn trẻ đã vậy, ổng là cha, không kiểm điểm tụi nó mà cứ im như thóc. Hỏi ông sao vậy thì ổng nói cái bà này, có câu “hòa khí như xuân”, tết nhứt chỉ nói chuyện vui, không nói chuyện buồn. Bà tuyệt đối “chìm xuồng” vụ này cho tui. Ra giêng đi Lâm Đồng một chuyến tui sẽ rỉ rả “làm việc” với tụi nó. Người mới lập gia đình, chưa con cái thường hay vô tư. Hồi mới cưới tui cũng rủ bà đi lông bông suốt ba ngày tết đó thôi. Khi có thằng Hai, tui làm cha, bà làm mẹ mới “té” ra trách nhiệm đầy mình. Người xưa nói cấm có sai: sinh con rồi mới sinh cha…

Vụ này mới buồn cười. Anh rể mình treo bảng “Tui về trỏng” trước ngõ. Mấy ngày tết bạn bè thấy cái bảng, tưởng anh vào Tam Quan (Bình Định) thăm cha mẹ vợ nên đi luôn, đâu biết anh đang nằm trùm mền trong nhà. Chị mình thắc mắc thì anh nói phải làm vậy để “ngăn khách nhập gia”. Tết nhứt mà để anh em vào vùng “chiến sự” căng thẳng vậy thì làm sao chén tạc chén thù được? Còn bây giờ, “yếu tố” lục đục đã lên đường, phải treo thông báo “Tui ra rồi” để anh em họ biết mà ghé chơi xuân vậy.

Trần Cao Duyên

>> “Chuyển nhà” đầu năm
>> Làm dâu trăm họ
>> Làm dâu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.