Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Ngôi đình xưa ở Tân Châu

13/11/2024 06:00 GMT+7

DiLong Sơn tọa lạc giữa phố dân cư đông đúc, nhà cửa san sát, thuộc TX.Tân Châu, An Giang. Long Sơn là vùng đất lâu đời và nổi tiếng của xứ lụa Tân Châu. Qua nhiều lần trùng tu, dù mang dáng dấp tân kỳ, nhưng dấu vết ngôi đình xưa vẫn còn đậm nét.

Ngôi đình hơn 170 năm

Cổng vào ngôi đình được xây dựng theo lối mới với cổng tam quan mái lợp ngói. Trước sân đình có một cây dương cổ thụ rất to. Dù nằm trong khu vực phố xá, nhưng khuôn viên ngôi đình có diện tích khá rộng, nhiều công trình phụ được trùng tu xây mới.

Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Ngôi đình xưa ở Tân Châu- Ảnh 1.

Mặt trước đình Long Sơn

ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG

Ông Đỗ Văn Diện cho biết: "Nhà tôi làm từ giữ đình đã đến đời thứ 3, nghĩa là từ đời ông nội đến đời cha tôi nối tiếp nhau. Nghe nội tôi kể, làng Long Sơn được lập là do ông tiền hiền họ Trần, tên là Trần Công Ký và em ông là Trần Công Hiệu. Chưa rõ họ Trần tiền hiền khai khẩn làng này có quan hệ gì với họ Trần khai sơn Long Hưng tự (chùa Giồng Thành), nhưng từ đây đến chùa ngày xưa hầu hết là đất của họ Trần".

Cũng theo ông Diện, đến đời ông Lê Văn Hựu (1818 - 1894) thì có nhiều công trình phúc lợi công cộng được xây dựng ở thôn Long Sơn. Sau đó, ông Lê Văn Trụ, con trai ông Hựu, hiến đất cất ngôi đình này. Con cháu của vị tiền hiền xưa hiện còn ông kế hiền Trần Quốc Tuấn.

Long Sơn xưa là một thôn trù phú ở xứ Tân Châu. Việc vua Minh Mạng đem chuyện xây đắp thành lũy tại thôn Long Sơn bàn với quần thần năm 1834 và năm sau được Tổng đốc An Hà Trương Minh Giảng nhắc lại, cho thấy vào thời điểm đó Long Sơn đã có cư dân đông đúc, đời sống sung túc. Năm 1836, khi đo đạc lập địa bạ, thôn này đã có 82 sở đất với hơn 314 mẫu "vu đậu thổ", tức đất trồng khoai, đậu.

Theo Đại Nam Nhất thống chí, năm Minh Mạng thứ 13, triều Nguyễn đặt huyện lỵ Đông Xuyên ở thôn này và 5 năm sau thì lập nhà Huyện học để đào tạo nho sĩ. Cho tới gần đây, người địa phương vẫn còn nhớ những cái tên như Xóm Huyện, Vàm Huyện - tức vàm rạch Cái Vừng.

Khi thực dân Pháp xâm chiếm, thôn đổi thành làng. Do đất đai khá rộng nên tách ra lập thêm làng Long Phú. Tương truyền, làng Long Phú do ông Cai tổng Phạm Thanh Bình xin tách ra từ làng Long Sơn vào năm 1876. Đình làng Long Phú có đạo sắc Bổn cảnh thành hoàng do vua Bảo Đại phong vào năm 1920 từ đơn xin của ông Nguyễn Chánh Sắt, một nhà văn nổi tiếng thời bấy giờ.

Trở lại đình Long Sơn, nếu tính từ lúc được vua Tự Đức phong sắc vào năm 1853 thì ngôi đình này đã tồn tại hơn 170 năm. Nhưng thuở xưa khi làng lập xong thì phải cất đình để cho người dân có chỗ lễ bái, vì vậy đình Long Sơn có lẽ đã có trước đó khá lâu.

Ông thần… linh lắm

Về kiến trúc nội thất và bố trí thờ tự, đình Long Sơn cũng tương tự như các ngôi đình xưa ở vùng Tây Nam bộ. Hàng cột trước chánh điện được gắn 3 bộ bao lam chạm lọng hình rồng, hoa trái cách điệu. Trên cùng bộ bao lam chính giữa có gắn tấm biển phục chế nguyên văn đạo sắc phong thần do vua Tự Đức ban tặng. Hai bên bàn hội đồng bố trí 2 dàn lỗ bộ với 16 món binh khí, gươm giáo thời xưa. Trên nóc chánh điện áp mái có bức hoành phi Hán tự chạm 4 chữ Quốc thái dân an. Khánh thờ Thần đặt chính giữa, trên có bức hoành phi Long Sơn cổ đình cũng bằng Hán tự sơn son, chữ vàng. Bên dưới là cặp phụng đứng chầu.

Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Ngôi đình xưa ở Tân Châu- Ảnh 2.

Gian thờ ở đình Long Sơn

ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG

Khánh thờ được chạm lọng hình lưỡng long tranh châu trên đầu, hai bên chạm nhiều hoa văn dây lá. Chữ Thần được đặt trong khánh, chạm nổi trên nền vẽ hình rồng. Ngoài ra trong khánh thờ còn có một hộp gỗ hình chữ nhật, chân quỳ được chạm trổ cầu kỳ, là hộp đựng sắc thần. Đặc biệt bên khánh thờ còn có hai bức tranh gỗ chạm nổi hình ông hổ mặt vằn trông rất ấn tượng.

Cũng như các ngôi đình khác, Tả ban, Hữu ban là các vị thần hầu cận thần Thành hoàng được đặt trang trọng hai bên bàn thờ chính. Tường vách bố trí nhiều bàn thờ theo tín ngưỡng dân gian như Ngũ hành nương nương, Tư mạng táo quân, Tiền hiền, Hậu hiền. Ngoài ra còn có bàn Hương trung tiền bối có lẽ thờ các vị tiền bối có công với ngôi đình.

Ông Đỗ Văn Diện kể, mỗi năm đình Long Sơn có 2 lệ cúng. Tháng 5 âm lịch cúng lễ Kỳ yên Hạ điền và cúng Thượng điền lạp miễu vào tháng chạp. Lệ cúng Kỳ yên kéo dài 3 ngày. Lễ thức cúng nhiều nhất là xôi vị đủ màu sắc được đơm tròn trên mâm cắm thêm bông trang, bông cúc và ghi tên họ người cúng. Ngoài ra, các nghệ nhân địa phương còn trổ tài chưng kết hoa trái với hình rồng phụng.

Lễ thỉnh sắc thần khá quy mô, được tổ chức ngày hôm trước khi chánh tế. Đạo sắc được ông Sáu ở chợ Long Sơn phụng giữ. Ngày thỉnh sắc, người ta huy động nhiều xe tải nhỏ, trong đó chiếc xe chở long đình được trang trí cờ hoa lộng lẫy. Long đình là một mô hình tháp 3 tầng mái ngói, gắn ba chữ Long Sơn đình và được trang trí câu đối bằng chữ Hán xung quanh. Một đội áp hầu khiêng long đình đặt lên xe với cặp lọng che phía trước. Đoàn xe thỉnh sắc đến nhà người phụng giữ sắc làm lễ rước về, sau khi đi vòng qua các tuyến phố. Đám rước về tới đình, ban tế tự phải làm lễ an vị đem sắc thần lên bàn thờ chính.

"Thời chiến tranh trước 1975, đình được ông Thần che chở nên không bị trái bom nào ném trúng. Tới chiến tranh biên giới Tây Nam cũng vậy, pháo của giặc bắn qua rớt ngoài sông hết. Ông thần linh lắm, hồi ba tui còn làm từ, ăn trộm vô ăn cắp lư, ông thần cũng về báo mộng", ông Diện nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.