Dạy học trực tuyến, những cái khó giờ mới biết !

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
10/04/2020 07:02 GMT+7

Từ khi Bộ GD-ĐT hướng dẫn dạy học trực tuyến như một giải pháp thay thế học trực tiếp do học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19 quá dài, nhiều địa phương đã 'nháo nhào' thay đổi dù chưa thực sự sẵn sàng.

Thành thị, miền núi đều gặp khó

Sở GD-ĐT Hà Nội mới có văn bản hướng dẫn, đặt ra mục tiêu bằng mọi biện pháp để hỗ trợ, tạo điều kiện cho 100% học sinh (HS) được học tập qua internet.
Để đạt mục tiêu này, Sở GD-ĐT Hà Nội hướng dẫn các phòng GD-ĐT, các đơn vị, trường học thực hiện theo các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, về học liệu, về tổ chức hoạt động dạy học và quản lý HS… Sở này cũng yêu cầu các phòng GD-ĐT, đơn vị trường học… xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến và báo cáo bằng văn bản về Sở GD-ĐT trước ngày 10.4.
Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục Hà Nội, cho hay việc dạy học trực tuyến rất khác nhau ở các nhà trường. Hà Nội rất rộng và không phải gia đình nào cũng có internet cũng như thiết bị để con học trực tuyến.
Chị T.H, ở một khu đô thị lớn trên đường Minh Khai (Hà Nội), cũng cho hay nhà có 2 con, 1 học tiểu học, 1 học lớp 9 nên bố mẹ có 2 máy tính đều phải nhường con vì ưu tiên việc học. Tuy nhiên, khi cách ly xã hội, yêu cầu làm việc trực tuyến thì bố mẹ phải xin cơ quan cho đến nhiệm sở làm việc vì ở nhà không còn máy tính.
Hà Nội đã vậy, nhiều tỉnh miền núi còn khó khăn hơn. Ông Lê Thanh An, Trưởng phòng GD-ĐT H.Con Cuông (Nghệ An), chia sẻ toàn huyện có 44 trường trực thuộc huyện và chỉ có 8 trường ở vùng thuận lợi có thể triển khai được dạy học trực tuyến vì phụ huynh có điều kiện hơn. Các trường còn lại phần lớn chưa thể dạy - học trực tuyến.
Bà Lê Thị Thủy, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Lai Châu, thì cho biết Sở đã làm việc với Đài truyền hình Lai Châu về dạy học trên truyền hình tỉnh, mỗi ngày khoảng 30 phút. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình ở vùng sâu không có ti vi thì thật khó để triển khai giải pháp này. Theo ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên, dạy học trên truyền hình với các tỉnh miền núi như Điện Biên “là một thử thách, khi kinh nghiệm chưa có. Các thầy, cô giáo phải vừa làm vừa dò, chứ chưa thể làm tốt được ngay”.

Học sinh mệt mỏi vì những tiết học dài lê thê

Do chưa có kinh nghiệm xây dựng, thiết kế các bài giảng trực tuyến nên mỗi nhà trường, thậm chí mỗi giáo viên (GV) thiết kế bài giảng theo một cách khác nhau. Có trường lên thời khóa biểu rõ ràng về thời gian học từng môn gần giống như giờ lên lớp trực tiếp nhưng có trường thì cả buổi chỉ học 1 môn khiến cho tiết học kéo dài lê thê.
Trên các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm dạy học trực tuyến, có GV cho biết trường yêu cầu xây dựng giờ dạy là 2 tiếng để dạy theo chuyên đề cho... gọn. Điều này cũng có thuận lợi là giúp người học ở một lớp đông HS có nhiều cơ hội tương tác hơn. Tuy nhiên, GV khó kiểm soát HS có tham gia cả thời gian học hay không…

Việc kéo dài thời gian không phải vì giáo viên xây dựng bài giảng quá dài mà là do cả cô trò đều chưa quen với việc học trực tuyến. Nhiều khi chờ các em đăng nhập, điểm danh xong đã mất vài chục phút. Chưa kể, trong quá trình học còn trục trặc về kết nối mạng, đường truyền, micro của học sinh phát biểu mà cô không nhận được…

Một giáo viên dạy tiểu học ở Hà Nội

Một GV dạy tiểu học ở Hà Nội chia sẻ việc kéo dài thời gian không phải vì GV xây dựng bài giảng quá dài mà là do cả cô trò đều chưa quen với việc học trực tuyến. Nhiều khi chờ các em đăng nhập, điểm danh xong đã mất vài chục phút. Chưa kể, trong quá trình học còn trục trặc về kết nối mạng, đường truyền, micro của HS phát biểu mà cô không nhận được…
Phụ huynh có con học tiểu học, nhất là ở lớp 1 và lớp 2 phải rất vất vả khi kèm con học trực tuyến. Không ít ý kiến phản ánh, không chỉ trò rất vụng dại, lúng túng mà GV cũng chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý công nghệ thông tin, phụ huynh cũng lúng túng khi các thiết bị gặp trục trặc… Thậm chí, có HS khi vào được hệ thống, buổi học trực tuyến chỉ còn 5 - 10 phút thì kết thúc, hoặc đang học đường truyền bị gián đoạn, mất tiếng, mất hình... GV không xử lý được. "Bố mẹ ngồi kèm con học còn mong nhanh hết giờ nữa là con trẻ mới 6, 7 tuổi", một phụ huynh cho biết.
Ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy, điều lo lắng nhất của cả phụ huynh, HS và các nhà trường là với điều kiện dạy học trực tuyến quá chênh lệch như hiện nay, nếu áp chung một cách thức kiểm tra, đánh giá và tính vào thời gian học chính khóa thì khó tránh khỏi “bệnh hình thức” và hậu quả là HS sẽ chịu thiệt thòi lớn nhất, khi đã học mà như chưa.

Nên chọn tương tác qua từng nhóm nhỏ

Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), cho biết ông nhận được rất nhiều email của GV nhờ hỗ trợ do dạy và học trực tuyến hiện nay đang là giải pháp tình thế, lúc đại dịch tràn đến mà nhiều trường, nhiều GV chưa kịp chuẩn bị kịch bản sư phạm. Lời khuyên mà ông Ngọc đưa ra là mỗi tiết dạy trực tuyến không quá 40 phút vì người học không thể ngồi nghe quá lâu.
Ông Ngọc cũng cho rằng GV nên chọn phương án tương tác không đồng bộ với HS, tốt nhất là qua nhóm email của từng lớp, từng GV, hay qua mạng xã hội, qua nhóm chat... để trả lời thắc mắc, để kiểm tra kiến thức HS qua các câu hỏi trực tiếp hay trắc nghiệm. Với cách làm như trên thì không lo mạng bị nghẽn, không lo phải chờ đủ HS thì GV mới giảng bài được và HS thậm chí không cần webcam (để chat video với GV) mà vẫn học bài được.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội), đề nghị các nhà trường tuyệt đối không chuyển đổi cơ học các tiết dạy (trước đây) thành các tiết dạy trực tuyến theo thời gian thực với thời lượng tương đương; ví dụ: 5 tiết (45 phút) thành 225 phút dạy trực tuyến liên tục trong 1 buổi. Nên bố trí xen kẽ các môn học, mỗi môn kéo dài khoảng 35 - 40 phút, giữa có giải lao 10 - 15 phút, mỗi buổi chỉ nên 3 tiết, ngày 2 buổi, thời gian bắt đầu và kết thúc buổi học linh hoạt, phù hợp với thời gian sinh hoạt gia đình HS hiện nay.
Về nguyên tắc sư phạm, phương pháp triển khai, tiến sĩ Tôn Quang Cường lưu ý, cách dạy học trực tuyến cần tuân theo nguyên tắc lớp học đảo ngược, dạy học hỗn hợp và dạy học cá nhân hóa. Theo đó, trước mỗi bài học trực tuyến, GV phải cung cấp nội dung học tập, yêu cầu, tài liệu học tập trước cho HS. Trong quá trình giảng bài không ôm đồm, sa đà vào phân tích, giảng giải nội dung mà chủ yếu quan tâm xem HS tiếp thu được đến đâu, lưu ý đến các điểm HS chưa rõ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.