Đẩy lùi cơn trào ngược

30/10/2015 16:50 GMT+7

Không chỉ gặp ở trẻ em, bệnh trào ngược dạ dày - thực quản còn tấn công cả người lớn, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Không chỉ gặp ở trẻ em, bệnh trào ngược dạ dày - thực quản còn tấn công cả người lớn, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Ảnh: ShutterstockẢnh: Shutterstock
Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản là tình trạng trào ngược dạ dày (chứa HCl, Pepsin…) lên thực quản; gây tổn thương thực quản, gây cảm giác khó chịu (ợ nóng, ợ chua, đau trước xương ức, nuốt nghẹn). Theo thạc sĩ - bác sĩ Trần Quốc Vĩnh, Khoa Nội soi - Phòng khám đa khoa quốc tế Yersin, do cấu trúc của thực quản không chịu được sự trào ngược quá mức của dịch dạ dày, nên việc trào ngược có thể dẫn đến tổn thương thực quản từ nhẹ đến nặng (viêm thực quản do trào ngược a xít); loét thực quản, những tổn thương này về lâu dài có thể gây hẹp thực quản; hình thành niêm mạc thực quản Barrett, có thể dẫn đến ung thư.
Vạch mặt thủ phạm
Bình thường, cơ thể con người có một số cơ chế chống trào ngược của thực quản. Chẳng hạn, cơ thắt thực quản dưới đóng vai trò như một cái van hãm, chỉ cho thức ăn, nước uống từ thực quản xuống dạ dày, không có chiều ngược lại. Dịch nước bọt có chứa Bicarbonat mang tính kiềm trung hòa một phần nào đó dịch a xít cũng giúp chống trào ngược. Nhu động của thực quản đẩy thức ăn theo chiều từ trên xuống.
Tuy nhiên, khi cơ thể “có vấn đề”, cơ chế chống trào ngược bị rối loạn dẫn đến bệnh trào ngược. Có thể kể đến một số nguyên nhân sau: do thức ăn ở dạ dày quá đầy, hoặc dịch a xít quá nhiều (do tác động của stress chẳng hạn), thức ăn bị ứ đọng do dạ dày hoạt động kém hiệu quả (do viêm, loét dạ dày, viêm loét tá tràng…). Lượng dịch, lượng thức ăn quá lớn này khiến cho cơ co thắt thực quản dưới không kham nổi, dẫn đến tình trạng “tức nước vỡ bờ”. Đôi khi bệnh có nguyên nhân do cơ thắt thực quản dưới bị “nhão” dưới tác động của thuốc lá, rượu bia hoặc một số thuốc uống: như thuốc điều trị cao huyết áp (nhóm ức chế can xi), thuốc điều trị bệnh hen suyễn, thuốc ngừa thai... Trẻ em (đặc biệt dưới 6 tuổi) thường bị trào ngược do cơ thắt thực quản dưới chưa trưởng thành và góc thực quản - dạ dày thường là góc tù.
Theo Bác sĩ Trần Quốc Vĩnh, các biểu hiện chính của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản bao gồm: ợ nóng, trớ (gây ợ hơi, ợ chua), nuốt nghẹn; thỉnh thoảng người bệnh còn đau ngực, hôi miệng, đắng miệng, nấc cục, ói, bị viêm họng kéo dài, hen suyễn…
Cách đối phó
Theo bác sĩ Trần Quốc Vĩnh, nguyên tắc chung của điều trị bệnh dạ dày - thực quản là nhắm vào cơ thắt thực quản dưới - cơ quan chủ yếu chống trào ngược. Bên cạnh đó, việc ăn uống đối với người bệnh và người có nguy cơ bị bệnh cần phải tuân thủ một số nguyên tắc sau: tránh ăn quá no, ăn xong không nên nằm ngay, hạn chế ăn quá khuya, hạn chế thức ăn khó tiêu hoặc sinh hơi (thức ăn dầu mỡ, nhiều gia vị như hành, tiêu, tỏi, ớt), hạn chế sử dụng sô cô la, nước uống có ga, cà chua hoặc chất kích thích như rượu, bia, cà phê…
Bác sĩ Vĩnh khuyến cáo những người bị trào ngược không nên dùng thuốc lá cũng như thận trọng trong việc sử dụng quá mức các thuốc điều trị kéo dài như đã nêu ở trên để tránh làm nhão hóa cơ thắt thực quản. Bệnh thường phải điều trị kéo dài (trên 1 tháng); nhiều trường hợp phải điều trị đến 6 tháng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.