Đẩy mạnh an cư cho người lao động

Đình Sơn
Đình Sơn
10/09/2022 06:56 GMT+7

Sau đại dịch Covid-19 , nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân đã được nhiều tỉnh, thành trên cả nước đẩy mạnh xây dựng.

Tại TP.HCM, ngay từ đầu năm 2022 nhiều dự án đã được khởi công, hiện nhiều doanh nghiệp cũng đã đăng ký tham gia chương trình.

Hàng loạt dự án NOXH, nhà lưu trú cho công nhân đã được khởi công

ĐÌNH SƠN

Khởi công hàng loạt dự án

Theo thống kê tại TP.HCM, hiện số công nhân lao động đang làm việc trong 17 khu chế xuất, khu công nghiệp là 285.000 người, nhưng chỉ có 15% là có chỗ ở trong các khu lưu trú. Ngoài ra, TP còn có gần 1 triệu người lao động đang ở thuê trong các khu trọ, trong đó đa số xập xệ, xuống cấp. Nhiều khu trọ thậm chí là ổ tệ nạn xã hội. Để giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động nghèo, TP.HCM đã ban hành kế hoạch phát triển nhà ở cho giai đoạn 2021 - 2025 tăng ít nhất 50 triệu m2 diện tích sàn nhà ở gồm 35.000 căn nhà ở xã hội (NOXH, gồm nhà lưu trú cho công nhân và các dự án chỉnh trang đô thị). Với kế hoạch này, ngay từ những ngày đầu năm 2022, TP đã khởi công hàng loạt dự án NOXH, nhà lưu trú cho công nhân. Tại TP.Thủ Đức, nơi tập trung khá nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, cho biết nơi đây đã có văn bản xin chủ trương quy hoạch 3 vị trí làm khu lưu trú công nhân tại Khu công nghệ cao TP.HCM với quy mô khoảng 90 ha, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho hơn 80.000 người. Đồng thời, TP.Thủ Đức vẫn đang tiếp tục rà soát quỹ đất công, quỹ đất quy hoạch chưa khả thi để đầu tư xây dựng NOXH, nhà lưu trú cho công nhân nhằm đáp ứng một chỗ an cư an toàn, sạch đẹp cho người dân nghèo đô thị, đặc biệt là công nhân đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp.

UBND Q.7 cũng đề xuất TP.HCM xem xét về việc sử dụng tạm thời 8 khu đất trên địa bàn quận để xây nhà lưu trú tạm thời cho công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trong thời hạn 3 năm. 8 khu đất này có tổng diện tích hơn 13 ha, hiện đều do các đơn vị nhà nước quản lý và sử dụng. Theo lãnh đạo quận này, sau khi được UBND TP thống nhất, đề xuất Sở TN-MT có hướng dẫn trình tự, thủ tục thì Q.7 sẽ thực hiện, với thời gian dự kiến khoảng 3 năm. Đồng thời, đề xuất Sở Xây dựng hướng dẫn cấp phép xây dựng có thời hạn. Sở Quy hoạch - Kiến trúc thống nhất không điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, UBND Q.7 kiến nghị 4 hình thức đầu tư xây dựng nhà lưu trú tạm thời cho công nhân gồm: giao đất để doanh nghiệp tự đầu tư, giao Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP tổ chức đầu tư, giao Công ty dịch vụ công ích Q.7 tổ chức đầu tư hoặc hỗ trợ vay vốn ưu đãi kích cầu của TP nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng để cho đơn vị sản xuất thuê lại. Theo đánh giá của các chuyên gia, đề xuất của UBND Q.7 là một động thái kịp thời để giải quyết khó khăn về nhà ở cho công nhân hiện nay, thế nhưng đề xuất này đang gặp khó khăn do đa số là đất công đã giao cho các đơn vị quản lý.

Giữ chân người lao động

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết: Kết quả khảo sát của Liên đoàn Lao động TP.HCM đối với công nhân ngành may mặc cho thấy thu nhập bình quân của họ khoảng 6,8 triệu đồng/tháng. Trong đó, 21% có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng, 40% có thu nhập 5 - 8 triệu đồng/tháng, 16% có thu nhập 8 - 12 triệu đồng/tháng, chỉ khoảng 3% có thu nhập trên 12 triệu đồng/tháng. Như vậy, khoảng 56% công nhân - lao động có thu nhập rất thấp và khoảng 60% người lao động nhập cư chỉ có nhu cầu thuê NOXH, phòng trọ. Bên cạnh công nhân, TP.HCM có 122.111 công chức, viên chức nhưng mới chỉ có hơn 5.000 cán bộ được hỗ trợ vay ưu đãi với lãi suất 4,7%/năm trong 20 năm để mua nhà. TP có khoảng 3 triệu người nhập cư, chủ yếu là công nhân - lao động, phần lớn muốn thuê NOXH hoặc phòng trọ. Hiện có khoảng 1,4 triệu công nhân - lao động đang thuê phòng trong các khu nhà trọ với giá thuê từ 800.000 đến 1,5 triệu đồng/tháng nhưng đã chiếm đến khoảng 20% thu nhập của người lao động. Dù nhu cầu về nhà ở bức thiết và lớn như vậy, nhưng giai đoạn 2011 - 2020, phát triển NOXH cả nước đạt 41% kế hoạch. Riêng TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020 xây dựng được 15.000 căn NOXH, đạt 75% kế hoạch.

"Muốn lạc nghiệp phải an cư. Một xã hội không thể phát triển bền vững, khó ổn định khi người dân thiếu nhà ở. Nỗ lực của TP trong việc cải cách thủ tục hành chính để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng NOXH, nhà lưu trú cho công nhân, đồng thời cũng tích cực rà soát các quỹ đất công để xây nhà cho người dân đã có hiệu quả. Điều này được minh chứng bằng hàng loạt dự án NOXH, nhà lưu trú cho công nhân được khởi công xây dựng thời gian qua", ông Châu nhận xét.

Trên địa bàn TP.HCM có khoảng 600.000 căn nhà trọ, trong đó 50% là phòng trọ cho công nhân thuê, giải quyết được khoảng 800.000 chỗ ở cho công nhân. Tuy nhiên, nhiều khu nhà trọ chưa đáp ứng được quy chuẩn, nhất là PCCC. Hiện Sở đã tham mưu cho TP hỗ trợ lãi suất 2% cho các nhà trọ chưa đạt chuẩn được vay vốn để cải tạo lại nhà trọ, đáp ứng chỗ ở tốt hơn, an toàn hơn cho công nhân.

Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM

Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho hay với quyết tâm cải thiện điều kiện sống cho người dân, UBND TP.HCM đã có kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn TP, trong đó riêng NOXH (bao gồm nhà lưu trú cho công nhân) là 85.000 căn. Để làm được điều này, TP đã rà soát trên toàn địa bàn TP có 33 dự án có diện tích đất trên 10 ha (tổng diện tích trên 105 ha, khoảng 70.000 căn hộ) phải dành 20% quỹ đất xây dựng NOXH và TP đã xúc tiến để các doanh nghiệp xây dựng quỹ nhà này. “Từ 30.4 đến nay đã khởi công 9 dự án gồm các dự án NOXH, chung cư cũ, nhà tái định cư, nhà lưu trú công nhân. Mục tiêu sắp tới để xây dựng được 35.000 căn nhà này phải đẩy nhanh các thủ tục hành chính. Điều này được hiện thực hóa bằng việc UBND TP.HCM ban hành các quy trình rút gọn, đẩy nhanh thời gian thực hiện các dự án NOXH xuống dưới 6 tháng (theo quy trình bình thường thì trên 1 năm). Nhiều doanh nghiệp muốn xây NOXH, nhà lưu trú cho công nhân nhưng đất không phù hợp quy hoạch, Sở đã tham mưu TP chủ động điều chỉnh quy hoạch để hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với đất trong khu chế xuất, khu công nghiệp với chức năng thương mại, dịch vụ nhưng nếu doanh nghiệp muốn xây nhà lưu trú cho công nhân thuê, TP cũng đã đề xuất Bộ Xây dựng đồng ý cho doanh nghiệp làm dù trước đây luật không cho phép. Hiện nay đã có 6 doanh nghiệp đăng ký xây nhà lưu trú cho công nhân theo hình thức này. Sở đã có văn bản hướng dẫn để các doanh nghiệp thực hiện”, ông Trần Hoàng Quân nói và cho biết thêm, dự kiến từ nay đến hết năm 2025 sẽ có 4.500 căn nhà lưu trú cho công nhân được xây dựng. Bình quân 1 căn hộ giải quyết cho 4 - 8 công nhân. Như vậy, đã giải quyết chỗ ở cho khoảng 30.000 - 40.000 công nhân. “Nhà lưu trú cho công nhân là chương trình trọng điểm của TP hiện nay, với mong muốn đáp ứng thật tốt nhu cầu nhà ở của công nhân, từ đó giữ chân người lao động ở lại TP.HCM làm việc trong bối cảnh người lao động đang có xu hướng bỏ TP về quê”, ông Trần Hoàng Quân nhận mạnh.

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, để đạt được mục tiêu kế hoạch phát triển NOXH, nhà lưu trú cho công nhân, Sở Xây dựng sẽ tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư, kịp thời khởi công các dự án trong năm 2022 và đầu năm 2023 để được tham gia gói tín dụng 40.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi. Đồng thời, TP sẽ có chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi kích cầu của TP để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng lưu trú cho công nhân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.