Bình thường mới trên tất cả các lĩnh vực
Tại cuộc họp, các ý kiến đều nhấn mạnh yêu cầu phải hết sức bình tĩnh trước các diễn biến dịch bệnh và bám sát, kiên trì triển khai chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Minh và một số ý kiến khác đề nghị các địa phương nghiên cứu, đẩy mạnh việc mở cửa trường học cho các em học sinh, bởi hiện nhiều địa phương đã làm rất tốt việc đưa học sinh đi học trở lại. Theo Thứ trưởng Minh, hiện ngành GD-ĐT có thể cập nhật từng trường hợp F0 trong trường, từng học sinh đã tiêm chủng theo giờ. Một số ý kiến cũng nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh truyền thông về vấn đề này để phụ huynh yên tâm đưa con em đi học; tránh việc kéo dài học trực tuyến có thể gây ra một số hệ quả không mong muốn như các bệnh lý không lây nhiễm, ảnh hưởng tới việc làm của phụ huynh, việc phát triển KT-XH...
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp ngày 10.12 |
TTXVN |
Trong khi đó, về phát triển kinh tế, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, đến thời điểm này, kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 610 tỉ USD và cả năm dự kiến có thể đạt từ 650 - 660 tỉ USD, lập kỷ lục mới. Nếu ở thời điểm tháng 9, nhập siêu là 2,75 tỉ USD thì cả năm nay có thể xuất siêu 3 tỉ USD.
Đại diện các bộ, ngành, địa phương đều khẳng định sau 2 tháng thực hiện, thực tiễn đã chứng minh việc ban hành Nghị quyết 128 của Chính phủ là đúng hướng, sát thực tế, kịp thời, hiệu quả, chúng ta đã từng bước hoàn thiện lý thuyết, công thức phòng, chống dịch, cần tổ chức thực hiện hiệu quả hơn nữa.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tình hình dịch bệnh trên phạm vi cả nước đang được kiểm soát, KT-XH từng bước phục hồi trên tất cả các lĩnh vực. Các trường học từng bước được mở cửa trở lại bằng việc kết hợp học trực tuyến và trực tiếp, bố trí các buổi học phù hợp... Người đứng đầu Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của ban chỉ đạo các cấp, sự hưởng ứng của nhân dân, sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua và nhất là sau khi Nghị quyết 128 được ban hành.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, những ngày gần đây, dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc mới hằng ngày có xu hướng gia tăng, số ca tử vong tăng tại một số địa phương. Dự báo thời gian tới tình hình dịch bệnh còn phức tạp, Thủ tướng yêu cầu phải có cảnh báo, giải pháp từ sớm, từ xa để tránh bị động, bất ngờ. Việc hồi phục và phát triển KT-XH tuy đạt nhiều kết quả tích cực nhưng khó khăn, thách thức còn nhiều, còn rất lớn, cần cố gắng hơn nữa trong việc khôi phục thị trường lao động, khắc phục thiếu hụt lao động, nhất là tại các khu công nghiệp lớn. Còn nhiều dự báo, nhận định khác nhau về độ lây lan, độc lực, tính chất kháng vắc xin của chủng mới Omicron, và không loại trừ việc tiếp tục xuất hiện các biến chủng mới.
Thầy cô háo hức mở cửa trường đón học sinh sau “kỳ nghỉ” dài vì Covid-19 |
Thần tốc phủ vắc xin
Về mục tiêu, Thủ tướng nêu rõ khi thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì phải thực hiện bằng được mục tiêu kiểm soát rủi ro, giảm tối đa số ca chuyển nặng và tử vong. Một mục tiêu quan trọng khác là về tiêm vắc xin. Cụ thể, Thủ tướng thúc giục phấn đấu tới 15.12 và chậm nhất tới 31.12 phải hoàn thành bằng được việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên. Cùng với đó, khẩn trương thực hiện sớm nhất có thể, phấn đấu đến hết quý 1/2022 hoàn thành việc tiêm mũi thứ 3, ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu, người trên 50 tuổi và có bệnh nền. Phấn đấu tới hết tháng 1.2022, hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người từ 12 - 18 tuổi. Về tiêm cho trẻ em từ 5 - 12 tuổi, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền, nghiên cứu khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, tham khảo kinh nghiệm các nước để đưa ra mục tiêu, lộ trình tiêm, phấn đấu hoàn thành trong quý 1/2022.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện Nghị quyết 128 theo đúng tinh thần an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phù hợp diễn biến, tình hình theo từng thời kỳ và từng biến chủng; thần tốc hơn nữa trong đáp ứng nhu cầu vắc xin và thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin để đạt mục tiêu đề ra. Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tiêm vắc xin bảo đảm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả; rà soát lại các quy trình, công đoạn liên quan tới vắc xin, tránh xảy ra và khắc phục các sự cố. “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tiêm vét vắc xin, ai chưa tiêm buộc phải tiêm, ai cương quyết không tiêm thì phải xử lý bằng các biện pháp theo quy định của pháp luật, ví dụ nếu không tiêm thì chữa bệnh phải trả tiền. Không để thiếu vắc xin và lực lượng tiêm vắc xin”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu lập danh sách người thuộc nhóm nguy cơ cao để quản lý, tiêm vắc xin, hỗ trợ tiếp cận dịch vụ y tế sớm, điều trị kịp thời... “Phải có kế hoạch cụ thể về bảo đảm cung ứng thuốc điều trị, các địa phương đề xuất, Bộ Y tế tổng hợp, tập trung chỉ đạo việc bảo đảm nguồn, phân bổ kịp thời thuốc điều trị; đối với các loại thuốc thiết yếu, phải có cơ số dự phòng phù hợp cho tình huống dịch bệnh diễn biến xấu. Đồng thời, tạo điều kiện tối đa để thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm, sản xuất vắc xin và thuốc điều trị Covid-19 trong nước, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả”, Thủ tướng nói.
Ngoài ra, với một số nội dung cụ thể, như nối lại đường bay thương mại quốc tế, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tham mưu, triển khai việc khôi phục các đường bay quốc tế bảo đảm an toàn, theo kết luận của Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh tại cuộc họp ngày 9.12.
Về sản xuất, kinh doanh, các địa phương phải bàn bạc, thảo luận với doanh nghiệp và người dân để triển khai các biện pháp, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn để vừa phòng, chống dịch tốt, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Các cơ quan, địa phương sớm đề xuất cụ thể về vấn đề nhà ở cho công nhân.
Covid-19 sáng 11.12: Cả nước 1.382.272 ca nhiễm | Ai được ưu tiên tiêm vắc xin mũi 3? |
Bình luận (0)