Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang châu Âu, Trung Đông

Đình Sơn
Đình Sơn
23/03/2022 15:59 GMT+7

Ngày 22.3, Tập đoàn Tân Thành Holdings ký kết hợp tác cùng Tập đoàn IPEI (Bỉ) và Công ty Ice-Loft để thực hiện đề án “Phát triển hành lang logistics lạnh từ Đồng bằng sông Cửu long và Đông Nam bộ đến vùng nước sâu Cái Mép - Thị Vải nhằm đẩy mạnh xuất khẩu rau củ quả sang châu Âu, Trung Đông”.

Các bên ký cam kết đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt sang châu Âu và Trung Đông
KIm ANH

Theo đó, Tân Thành Holdings và IPEI sẽ đồng hành phát triển, xây dựng hệ thống kho lạnh thông minh đa dụng ở Đông và Tây Nam Bộ, sẵn sàng tiếp cận, chia sẻ, chuyển giao công nghệ xây dựng, vận hành kho lạnh cũng như công nghệ bảo quản sau thu hoạch cho các doanh nghiệp, nông dân Việt Nam. Đặc biệt, hai bên cũng cam kết sẽ phối hợp tiếp cận các nhà phân phối hàng đầu để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt sang châu Âu và Trung Đông.

Bà Dương Thị Bích Diệp - Chủ tịch HĐQT Tân Thành Holdings, cho biết mỗi năm, EU nhập khẩu hơn 60 tỉ euro rau củ quả, chiếm 44% trị giá thương mại toàn cầu của ngành hàng này. Xu hướng nhập khẩu này sẽ tiếp tục tăng do người dân các nước châu Âu ngày càng có ý thức cao trong việc duy trì dinh dưỡng lành mạnh, giảm chất béo, tăng rau củ trong từng bữa ăn. Thị trường lớn, ổn định, giá bán cao… Châu Âu là “mảnh đất lành” cho nông sản Việt Nam nhưng rau củ quả của chúng ta chiếm chưa đến 0,3% thị phần. Điều này hoàn toàn không cân xứng với tiềm năng, dư địa sản xuất hiện có. Một trong những nguyên nhân chính là điểm nghẽn về chi phí logistics. Vì vậy chúng tôi đầu tư phát triển hành lang logistics lạnh nhằm giải tỏa sức ép chi phí này và tìm ra con đường tối ưu nhất để xuất khẩu nông sản”.

Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã mở ra cơ hội phát triển xuất khẩu sâu rộng, bền vững cho nông sản Việt Nam khi “tiến quân” vào thị trường châu Âu vốn rộng lớn và có giá bán cao. 94% trong số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, đặc biệt là các sản phẩm thế mạnh như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long… được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Lợi thế này sẽ giúp rau củ quả Việt Nam có nhiều lợi thế khi cạnh tranh với Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia…

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2021, bất chấp những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả sang EU vẫn đạt hơn 173 triệu USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là thị trường xuất khẩu rau củ quả lớn thứ tư của Việt Nam, chiếm 5,3% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.

Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã có các hành động cụ thể, thiết thực nhằm cải tiến canh tác, sản xuất, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, đảm bảo sản phẩm nông sản đạt các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn của thị trường châu Âu. Trong đó, Viện Kinh tế xanh đã nghiên cứu, xây dựng một chiến lược bền vững để góp phần thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang các nước châu Âu, Trung Đông. Bên cạnh việc triển khai các chương trình chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo nâng cao tay nghề, hỗ trợ tài chính, giống, kỹ thuật… cho nông dân, Viện còn vận động các nguồn lực trong và ngoài nước để đồng hành phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên nền tảng logistics hiện đại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.