Đẩy nhanh tiến độ điều tra các 'đại án', xét xử vụViệt Á trong quý 3

11/05/2023 04:23 GMT+7

Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực yêu cầu các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ "đại án", trong đó kết thúc điều tra vụ Việt Á trong quý 2 và ban hành cáo trạng để truy tố, xét xử trong quý 3.

Ngày 10.5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo), chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra các 'đại án', xét xử vụ Việt Á trong quý 3 - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sáng 10.5

TTXVN

Làm việc cầm chừng, sợ sai là biểu hiện của tiêu cực

Chiều cùng ngày, thông tin với báo chí về nội dung cuộc họp, ông Đặng Văn Dũng, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư, cho biết trong thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần "kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".

Cùng với đó, chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. "Đây chính là một biểu hiện của tiêu cực, gây nhiều hệ lụy xấu, làm chậm sự phát triển KT-XH của đất nước, vì vậy, cần tập trung chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng này… Giao Chính phủ kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu một vài cơ quan, địa phương để xảy ra tình trạng đùn đẩy; trước hết xử lý trách nhiệm người đứng đầu", ông Dũng thông tin.

Thường trực Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các cấp chỉ đạo kiểm tra làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, người đứng đầu trong xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật có nhiều sơ hở, bất cập để tổ chức, cá nhân lợi dụng trục lợi; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, không để cài cắm "lợi ích nhóm", "lợi ích cục bộ" trong ban hành chính sách, pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước và xã hội.

Thông tin thêm với báo chí, ông Nguyễn Văn Yên, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư, cho biết Thường trực Ban Chỉ đạo đã giao cơ quan chức năng nghiên cứu, đánh giá sâu về thực trạng này. "Trước mắt giao cơ quan hành pháp (Chính phủ - PV) là nơi mà có thể nói rằng để xảy ra, dung dưỡng, tạo điều kiện cho tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm tổ chức biện pháp hành chính theo thẩm quyền, tổ chức thanh tra, kiểm tra ở những nơi có vấn đề", ông Yên thông tin thêm.

Kết thúc giai đoạn xét xử "đại án" Việt Á trong quý 3

Trong thời gian tới, ông Đặng Văn Dũng cho biết Thường trực Ban Chỉ đạo đã thống nhất thành lập 5 đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo để kiểm tra chuyên đề việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước tại một số cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc T.Ư.

Thường trực Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, nhất là các vụ án xảy ra tại: Công ty CP công nghệ Việt Á, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC, Cục Đăng kiểm VN và các trung tâm đăng kiểm tỉnh, TP; khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm 5 vụ án trong quý 2.

Trả lời câu hỏi của báo chí, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Văn Yên cho biết hiện các cơ quan đang tích cực áp dụng các biện pháp, cố gắng truy bắt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (viết tắt là Công ty AIC). "Nhà nước quyết tâm thi hành nhưng giờ phải nói rõ là hiện chưa bắt được, không có cứ lấn cấn rằng bắt được rồi xong giấu ở đâu. Thi thoảng chúng tôi nhận được thông tin hỏi hình như bắt được rồi xong giam ở đâu phải không", ông Yên khẳng định.

Trước đó, tháng 1 vừa qua, dù bà Nhàn bỏ trốn nhưng TAND TP.Hà Nội vẫn mở phiên xét xử vắng mặt, tuyên phạt bà Nhàn 30 năm tù về 2 tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "đưa hối lộ". Hiện, bà Nhàn tiếp tục bị Bộ Công an khởi tố trong 2 vụ án khác.

Đối với vụ án Việt Á, ông Yên cho biết đến nay, cơ quan tố tụng đã điều tra làm rõ nhưng vụ án này xảy ra từ T.Ư đến địa phương, xuyên suốt, ở đó có đối tượng của Công ty CP công nghệ Việt Á. "Một vụ án độc lập có thể xét xử ngay, nhưng nhiều vụ án mà lại xuyên suốt, liên quan một đối tượng thì cơ chế xét xử phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, công khai, công bằng, thấu tình đạt lý. Hơn nữa, ở đây lại liên quan đến hệ thống điều tra T.Ư và địa phương", ông Yên nói và cho biết chính vì vậy, Thường trực Ban Chỉ đạo đã thống nhất theo đề nghị của cơ quan điều tra và các cơ quan tố tụng T.Ư, quyết định cho lùi thời hạn kết thúc điều tra vụ Việt Á trong quý 2 và ban hành cáo trạng để truy tố, xét xử trong quý 3.

Đối với vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm VN và các trung tâm đăng kiểm tỉnh, TP, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư nhấn mạnh vi phạm, sai phạm liên quan trực tiếp đến Cục Đăng kiểm VN; là sai phạm có tổ chức, kéo dài nhiều năm, liên quan nhiều người, nhiều cấp độ khác nhau.

"Giá trị tiêu cực tính bằng tiền không lớn nhưng hậu quả để lại cho xã hội vô cùng lớn. Mỗi năm, tai nạn giao thông cướp đi 8.000 - 10.000 người, trong đó có lỗi của đăng kiểm", ông Yên nói và nhấn mạnh, hậu quả trong vụ án này đối với xã hội rất nặng nề.

Để quá trình xử lý không ảnh hưởng đến hoạt động đăng kiểm của người dân, doanh nghiệp, không ảnh hưởng đến lưu thông và phát triển KT-XH, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất giao cơ quan chức năng bàn bạc để có giải pháp xử lý phù hợp nhất, thống nhất chủ trương phân hóa xử lý các đối tượng có liên quan trong các vụ án theo nguyên tắc "có tội là phải xử lý", nhưng vẫn đảm bảo thấu tình đạt lý.

Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết từ tháng 1.2023 đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.099 vụ/2.411 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; khởi tố mới 242 vụ án/864 bị can về tội tham nhũng (tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2022). Đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 4 vụ án/24 bị can, khởi tố thêm 78 bị can trong 11 vụ án, kết thúc điều tra 3 vụ án/88 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 8 vụ án/153 bị can, xét xử sơ thẩm 6 vụ án/51 bị cáo.

Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 100 tổ chức Đảng, hơn 3.600 đảng viên. Trong đó, Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã xử lý kỷ luật 12 tổ chức Đảng, 26 cán bộ cấp giám đốc sở và tương đương trở lên, trong đó có một nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, 3 chủ tịch, nguyên chủ tịch UBND cấp tỉnh, 2 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Các cơ quan chức năng qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đã chuyển 137 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 232 tập thể và 1.146 cá nhân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.