Chiều qua 28.6, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã có công văn phản hồi về loạt bài này. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đăng toàn bộ nội dung công văn:
“Trong mấy ngày qua, Báo Thanh Niên có đưa thông tin về việc Dạy tiếng Anh Cambridge tại một số trường học tại TP.HCM và các nội dung trả lời phỏng vấn của Phó giám đốc Sở GD-ĐT, về các vấn đề trên Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin rõ đến quý cơ quan như sau:
Từ năm 2000, nhằm mục đích nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh cho học sinh thành phố, được sự chấp thuận của Bộ GD-ĐT và UBND TP, Sở GD-ĐT đã triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường tự chọn cho học sinh thành phố. Qua 10 năm triển khai thực hiện, chương trình đã thu hút lượng lớn học sinh tham gia.
Từ năm 2012, nhằm đa dạng hóa hình thức học tiếng Anh cho học sinh với mong muốn học sinh được học tiếng Anh tự nhiên hơn, được sự chấp thuận của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT đã có chủ trương cho phép tiến hành thí điểm chương trình dạy song ngữ Cambridge tại một số trường học trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, chủ trương của Sở là không mở rộng, chỉ thực hiện một số lớp tại một số trường trên địa bàn phụ huynh có nhu cầu và điều kiện; các trường hoàn toàn chủ động trong việc bàn bạc, trao đổi, thống nhất với phụ huynh và đơn vị được Cambridge ủy nhiệm việc triển khai chương trình và quyết định việc ký kết triển khai chương trình tại đơn vị.
Ngay từ đầu khi triển khai, chương trình đã thu hút được sự quan tâm của lượng lớn phụ huynh do học phí phù hợp hơn so với học phí chương trình song ngữ tại các trường quốc tế, mặt khác khi học tại các trường công lập học sinh còn được học chương trình do Bộ GD-ĐT Việt Nam ban hành phù hợp với các mục tiêu giáo dục con người Việt Nam.
Cũng nói rõ hơn quan điểm của Sở là không chỉ triển khai duy nhất thí điểm chương trình song ngữ Cambridge, mà các chương trình khác nếu được hội đồng chuyên môn của Sở đánh giá là phù hợp với học sinh thành phố, được Bộ GD-ĐT và UBND TP cho phép thì đều có thể triển khai thí điểm tại một số trường có điều kiện và nhu cầu trên địa bàn thành phố. Giám đốc Sở GD-ĐT sẽ cho phép triển khai nếu đơn vị nào hội đủ các điều kiện trên.
Sắp tới, Sở sẽ tổ chức sơ kết 3 năm việc triển khai thực hiện chương trình song ngữ Cambridge để đánh giá những kết quả đã đạt được của chương trình và định hướng cho việc giảng dạy các chương trình song ngữ tại các trường học trong thời gian tới.
Các chương trình dạy học tiên tiến của quốc tế được tổ chức giảng dạy tại các trường là phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu của người dân thành phố và theo đúng tinh thần Nghị định 73/2012/NĐ-CP ngày 26.9.2012 của Chính phủ Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Việc triển khai thí điểm này, các đơn vị làm việc trực tiếp với nhà trường trên nguyên tắc tự nguyện của phụ huynh học sinh để học sinh được học và thụ hưởng chương trình tiên tiến của quốc tế ngay tại địa phương, đất nước mình, Sở GD-ĐT không trực tiếp hợp đồng hoặc thỏa thuận nào với đối tác đại diện thực hiện chương trình mà chỉ thực hiện công việc quản lý chuyên môn.
Như vậy, để thông tin rõ đến các bậc phụ huynh thành phố và các cấp quản lý, tôi đề nghị ông Tổng biên tập Báo Thanh Niên và Hội đồng biên tập tòa soạn cho đăng tải các thông tin nêu trên để thông tin chính thức phần phản hồi của Sở GD-ĐT TP.HCM, góp phần làm minh bạch và khách quan trong dư luận xã hội”.
Không nhất thiết phải qua một đối tác trung gian nào Ngày 27.6, ông Trần Bá Việt Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thay mặt Bộ GD-ĐT, trả lời những câu hỏi liên quan đến chương trình tiếng Anh Cambridge thực hiện tại TP.HCM. Đối với chương trình dạy học bằng tiếng Anh Cambridge đang thí điểm giảng dạy tại các trường phổ thông, nếu các trường làm việc trực tiếp với Cambridge để triển khai giảng dạy (không qua Công ty EMG) có được không? Các trường có thể triển khai các chương trình tiếng Anh khác không? Theo quy định, trường phổ thông muốn triển khai chương trình Cambridge hoặc chương trình tiếng Anh khác đều cần liên hệ với Sở GD-ĐT sở tại để được hướng dẫn các thủ tục đăng ký cần thiết. Nếu xét thấy đủ các điều kiện cần thiết để triển khai chương trình và phù hợp với nhu cầu của địa phương, Sở có văn bản đề nghị Bộ cho phép tổ chức thực hiện, không nhất thiết phải qua một đối tác trung gian nào. Bộ GD-ĐT có xem xét nhiều chương trình khác hay không trước khi có văn bản đề nghị TP.HCM thí điểm chương trình tiếng Anh Cambridge? Tại sao phải thông qua đối tác EMG? Bộ không làm việc trực tiếp với các cơ sở giáo dục nước ngoài hoặc thông qua đối tác nào khác về vấn đề này. Do vậy không thể có chuyện Bộ ưu ái cho bất cứ một chương trình nào. Ngày 19.1.2010, Bộ GD-ĐT có công văn trả lời công văn ngày 13.11.2009 của Sở GD-ĐT TP.HCM về việc xin thí điểm dạy chương trình phổ thông quốc tế Cambridge tại một số trường trên địa bàn thành phố. Công văn của Bộ có nêu: Bộ ủng hộ Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức dạy thí điểm các chương trình: tiếng Anh tiểu học quốc tế, toán tiểu học quốc tế, khoa học tiểu học quốc tế, tiếng Anh phổ thông trung học quốc tế, toán phổ thông trung học quốc tế và công nghệ thông tin trung học quốc tế bằng tiếng Anh song song với chương trình chính khóa tại một số cơ sở giáo dục được lựa chọn có đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, có sự tham gia tự nguyện của phụ huynh và học sinh. Công văn của Bộ cũng nêu rõ: Sở GD-ĐT TP.HCM cần có kế hoạch tổ chức thẩm định chương trình, chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện dạy, học các chương trình thí điểm nêu trên. Hằng năm tổ chức hội nghị, hội thảo đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo UBND TP.HCM và Bộ GD-ĐT. Đăng Nguyên (thực hiện) |
>> Dạy tiếng Anh Cambridge, ai hưởng lợi ?
>> Dạy tiếng Anh Cambridge, ai hưởng lợi? - Kỳ 2: Không nói được bao nhiêu chi phí là vừa phải!
>> Dạy tiếng Anh Cambridge, ai hưởng lợi ? - Kỳ 3: “Có chương trình nào nữa mà không độc quyền?”
>> Dạy tiếng Anh Cambridge, ai hưởng lợi ? - Kỳ 4: Những vấn đề cần minh bạch
>> Dạy tiếng Anh Cambridge, ai hưởng lợi? - Kỳ 5: EMG không thực hiện đúng tinh thần Cambridge
Bình luận (0)