Dạy tiếng Anh Cambridge, ai hưởng lợi ? - Trả lời các yêu cầu của EMG

30/06/2013 03:40 GMT+7

Sau khi đăng loạt bài Dạy tiếng Anh Cambridge, ai hưởng lợi ?, Báo Thanh Niên đã nhận được 2 công văn do bà Nguyễn Phương Lan, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị EMG ký đề ngày 25 và 30.6 đề nghị đính chính những vấn đề EMG cho rằng chưa chính xác và xem lại động cơ để xác định có tiêu cực hay không trong tác nghiệp của tổ phóng viên đã tham gia lấy thông tin và viết loạt bài này (!?).

1. Về vấn đề  sách giáo khoa

Ngày 13.6, trong buổi trao đổi với bà Nguyễn Phương Lan, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị EMG, phóng viên Báo Thanh Niên có hỏi tại sao phụ huynh phải đăng ký mua giáo trình qua EMG mà không thể mua được từ nguồn khác (chẳng hạn trên mạng), bà Lan đưa ra nhiều lý do để giải thích. Trong đó có thông tin: “Sách giáo khoa (SGK) mua trên mạng Amazon hoặc bất cứ trang mạng nào khác đều không được sự kiểm duyệt cần thiết của các cơ quan kiểm duyệt SGK của Việt Nam. Chính vì vậy, việc học sinh theo học (theo hình thức hoàn toàn tự nguyện) dùng sách có bản quyền được các cơ quan nhập sách uy tín của Việt Nam kiểm duyệt là một yêu cầu chính đáng và cần được tuân thủ”. Bà Lan ví dụ phụ huynh tự lên mạng đặt mua SGK không qua kiểm duyệt nếu sách đó có những hình ảnh phản cảm và vi phạm nội quy của Việt Nam (thay vì bản đồ Việt Nam thì in bản đồ Trung Quốc hay bản đồ Việt Nam mà không có các hòn đảo thuộc chủ quyền Việt Nam) thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm trả lời cho những sai phạm đó? Bà Lan cho rằng trong bài phỏng vấn bà đăng trên số báo ra ngày 25.6 “điều này đã hoàn toàn cố tình bị phóng viên bỏ qua”.

Chúng tôi xin trả lời như sau: Nhận định trên của bà Lan (về hình ảnh phản cảm, bản đồ…) chỉ là giả định và là một trong những lý do để giải thích cho câu hỏi tại sao EMG độc quyền SGK đối với học sinh tham gia chương trình tiếng Anh Cambridge. Ví dụ về sự phản cảm hay vi phạm đối với SGK tiếng Anh Cambridge mua từ nguồn khác EMG như bà Lan nêu ra chỉ là một lý do theo cá nhân bà, không thật phù hợp so với những lý do khác cũng của bà Lan đưa ra, chúng tôi không sử dụng thông tin này trong bài viết. Điều quan trọng là phần trả lời của bà Lan mà chúng tôi đăng trên mặt báo không sai với những gì bà đã phát biểu.

Cũng liên quan vấn đề SGK, bà Lan cho rằng phóng viên phân tích chưa toàn diện khi so sánh việc mua sách qua trang web Amazon vì đó chỉ là giá bán sách, chưa tính thuế, phí vận chuyển và các phí khác. Vì vậy, theo bà Lan, khi đến tay người tiêu dùng, giá sách sẽ cao hơn so với giá mà các đơn vị nhập sách có uy tín thuộc sự quản lý của nhà nước có được. Trong bài viết đầu tiên của loạt bài này đăng ngày 24.6, về SGK chúng tôi chỉ nhấn mạnh ngoài EMG, nên chăng phụ huynh được mua từ những nguồn khác, từ người quen ở nước ngoài… miễn sao đảm bảo đúng loại sách mà EMG yêu cầu.

Bà Lan còn cho rằng trong bài viết “phóng viên cũng không nói được chính xác tên phụ huynh phản ánh tất cả vấn đề này mà chỉ nói chị Y, S không tạo nên tính chính xác”. Trong buổi phỏng vấn, bà Lan cũng yêu cầu chúng tôi đưa ra thông tin về phụ huynh cung cấp tin nhưng chúng tôi từ chối. Thứ nhất, chúng tôi phải bảo đảm sự an toàn nguồn cung cấp thông tin, theo quy định của luật Báo chí (dĩ nhiên, bằng nghiệp vụ, chúng tôi đã trải qua bước xác minh để biết rằng thông tin chúng tôi có được là đáng tin cậy). Thứ hai, EMG không phải là cơ quan có thẩm quyền yêu cầu chúng tôi cung cấp nguồn thông tin. Chúng tôi cũng đã giải thích rõ điều này với bà Lan trong buổi phỏng vấn bà ngày 13.6.

2. Về câu hỏi vu khống, xúc phạm

Với câu hỏi “Có dư luận cho rằng EMG chiết khấu cho Sở, phòng giáo dục và các trường có giảng dạy chương trình Cambridge, cũng như thường xuyên tổ chức cho lãnh đạo Sở và các trường tham quan châu u”, bà Lan cho rằng đó là câu hỏi có tính xúc phạm (và vu khống) đến danh dự của bà và một số cơ quan nhà nước như Sở GD-ĐT TP.HCM…Để làm rõ vấn đề và mong muốn thông tin đa chiều, chúng tôi đặt câu hỏi này và không có bất kỳ sự ép buộc nào, vì thế bà Lan có quyền từ chối trả lời.

Dạy tiếng Anh Cambridge, ai hưởng lợi ? - Kỳ 7: Trả lời các yêu cầu của EMG

Trên thực tế, câu hỏi có 2 vế, bà Lan trả lời hết sức rành mạch, trôi chảy phần đầu (như Báo Thanh Niên đã đăng). Ở vế thứ hai, bà không trả lời mà yêu cầu chúng tôi gửi câu hỏi đến Sở, các phòng giáo dục... Chúng tôi đã đăng tải đúng tinh thần của cuộc phỏng vấn chứ không như nhận định của bà Lan là: “tường thuật lại câu hỏi theo hình thức để ngỏ, điều này có thể gây ra những hiểu lầm làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan quản lý giáo dục của nhà nước”. Cũng cần nói thêm rằng, khi nhận được câu hỏi tương tự, ông Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã trả lời rõ ràng, đầy đủ trên báo. Như vậy, Báo Thanh Niên đã phản ảnh thông tin 2 chiều về sự việc, không phải chỉ một chiều nên không thể nói là xúc phạm (hay vu khống).

3. Về thông tin từ phía CIE chi nhánh châu Á - Thái Bình Dương liên quan đến trách nhiệm theo dõi, quản lý chất lượng và CIE Anh quốc về việc khi cần mở chi nhánh thì liên hệ trực tiếp với CIE, bà Lan cho rằng những thông tin trên các bài báo là không chính xác. Chúng tôi không có trách nhiệm trả lời với EMG mà chỉ có thể trả lời với 2 đơn vị nói trên. Cũng nói rõ, chúng tôi có đủ cơ sở để khẳng định rằng những thông tin đã nêu không sai sự thật.

4. Về những tài liệu mà phóng viên từ chối tiếp nhận

Bà Lan cho rằng “tại buổi phỏng vấn cũng như kèm theo thư chúng tôi gửi tới Tổng biên tập Báo Thanh Niên ngày 23.5.2013, chúng tôi đã gửi kèm rất nhiều bằng chứng liên quan đến những phản hồi rất tích cực từ phía phụ huynh học sinh đối với việc thực hiện chương trình Cambridge tại TP.HCM, cũng như những bằng khen, giấy khen mà nhiều năm qua EMG đã nhận được từ các cơ quan quản lý giáo dục nhà nước như Bộ GD-ĐT… rất tiếc, tại buổi phỏng vấn phóng viên đã từ chối không tiếp nhận những thông tin này của chúng tôi, mà chỉ tập trung theo đúng định hướng của chính mình”.

Phóng viên Thanh Niên từ chối những tài liệu này vì 2 lý do sau: Chúng tôi đã có những tài liệu này kèm theo thư mà EMG gửi Tổng biên tập Báo Thanh Niên ngày 23.5.2013. Ngoài ra, chúng tôi có thể từ chối, không đăng những gì không thuộc trọng tâm của loạt bài viết, chính là những hiện tượng và số liệu về những bất cập của việc tổ chức giảng dạy tiếng Anh Cambridge đang cần được cơ quan quản lý nhà nước quan tâm chấn chỉnh. Tương tự, chúng tôi cũng đã từ chối nhận quà từ phía EMG gửi cho phóng viên trong buổi phỏng vấn ngày 13.6 diễn ra tại trụ sở của EMG ở TP.HCM.

5. EMG có thực hiện đúng tinh thần Cambridge ?

Dựa vào câu nhận định: “Không thể có chuyện EMG đứng ra tổ chức trực tiếp giảng dạy, thu phí, bán sách” trong bài thứ 5 EMG không thực hiện đúng tinh thần Cambridge, EMG đã bác bỏ chuyện này bằng cách “nói là có hợp đồng” giữa EMG và CIE và cho rằng EMG có chức năng giảng dạy…

Chúng tôi đưa ra nhận định trên là căn cứ vào hướng dẫn của CIE đối với các đối tác của Cambridge (Cambridge Associate) mà EMG được CIE liệt kê là một trong 19 đối tác như thế (xem “What are Cambridge Associates?” tại trang web http://ask.cie.org.uk). “Một đối tác Cambridge là người trung gian giữa CIE và các trường học riêng lẻ. Đối tác Cambridge tạo điều kiện cho trường và cá nhân không có nguồn lực cần thiết, như địa điểm thi thích hợp, được hưởng lợi từ các chương trình và chứng nhận của Cambridge. Một đối tác Cambridge cũng xác định và thu hút các trường để hỗ trợ cho việc phát triển thương hiệu Cambridge trong vùng, và thay mặt cho Cambridge quản lý mối quan hệ với các trường này”.

Tài liệu này cũng liệt kê các chức năng của một đối tác Cambridge gồm: Hỗ trợ khách hàng và liên hệ với mọi trường thành viên; Tổ chức các kỳ thi; Bảo mật tài liệu thi; Phối hợp về tài chính. 

Qua đó Cambridge đã mô tả rõ ràng vai trò của một đối tác như EMG là hỗ trợ nhà trường giảng dạy chương trình Cambridge tại trường, trong đó vai trò và sự tham dự của nhà trường là rất quan trọng. Không hề có dòng nào nói chuyện cho phép đối tác như EMG lấy cơ sở vật chất nhà trường, lấy một phần học sinh của nhà trường rồi tự tổ chức các lớp như thể đây là trường thành viên của EMG. Chúng tôi sẽ đặt câu hỏi lại CIE về hợp đồng đã ký với EMG (hồi âm tự động của người đại diện truyền thông của CIE cho biết đến ngày 8.7 ông này mới quay trở lại văn phòng) nhưng chúng tôi không tin CIE đồng ý với việc loại bỏ vai trò của nhà trường, chỉ đứng ra nhận 15% hoa hồng như hiện nay. Nhà trường và đội ngũ giáo viên là một thành phần quan trọng của cộng đồng Cambridge như CIE từng nhấn mạnh nhiều lần.

Trong các đối tác của Cambridge có nhiều đơn vị là cơ quan quản lý giáo dục sở tại như Hebei Provincial Education Department (Trung Quốc), Ministry of Culture Hessen (Đức)... Không lẽ các cơ quan quản lý này cũng trực tiếp đứng ra giảng dạy chương trình Cambridge tại nước họ? Với các đối tác khác, dù là hiệp hội hay tổ chức khác, thì tinh thần vẫn thế: họ là người trung gian giữa CIE và nhà trường chứ không phải là người đứng ra làm thay nhà trường mọi chuyện.

Ở phần “Chương trình của CIE không chỉ dạy tiếng Anh” thì đại diện EMG đã hiểu sai hoàn toàn nội dung bài báo. Chúng tôi xác nhận như công văn của EMG là chương trình cũng như thực tế cho thấy học sinh học tiếng Anh, toán, khoa học, công nghệ thông tin bằng tiếng Anh. Nhưng đó mới là vấn đề (vì sao đó là vấn đề thì xin đọc lại bài báo). Ở đây chúng tôi xin nói thêm một ý, trong khi chúng ta đang cố gắng giảm tải cho học sinh thì với ai tham gia chương trình này không những không được giảm tải mà còn phải học thêm những nội dung có thể trùng lặp, gây ra một gánh nặng thật sự cho học sinh, rất trái với tinh thần giáo dục và gây lãng phí.

Ở phần cuối cùng, mặc dù nội dung phản hồi không nằm trong bài báo chính, chúng tôi cho rằng thái độ của EMG là một sự dựa dẫm vào “các quy định hợp tác quốc tế” để duy trì vị thế độc quyền của mình; việc không cho các trường tìm hiểu khả năng làm việc trực tiếp với CIE là thái độ không khoa học, không minh bạch, hiểu sai phát biểu của đại diện các cơ quan quản lý giáo dục.

EMG né tránh vấn đề chính

Cũng cần nói rằng những điều mà phía EMG đề nghị Báo Thanh Niên giải đáp là những vấn đề không trọng tâm nhằm tránh đề cập đến những vấn đề trọng tâm mà báo đã nêu lẽ ra EMG và các cơ quan quản lý ngành như Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP.HCM cần phải trả lời rõ thêm trước dư luận.

Những điều đó bao gồm:

Vấn đề tài chính: Dựa trên cơ sở nào mà EMG thu học phí 150 USD/học sinh/tháng? Việc thu chi của chương trình có phù hợp với các quy định về kế toán - tài chính hay chưa?

Vấn đề độc quyền cho EMG triển khai chương trình: Cả đại diện Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT TP.HCM khi trả lời Báo Thanh Niên đều khẳng định không có sự độc quyền cho EMG. Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng: “Trường đang làm thí điểm chương trình Cambridge cũng tự triển khai được nhưng xin phép Bộ vì Bộ cho đối tác đó làm”. Trong khi đó, ông Trần Bá Việt Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ GD-ĐT, lại  nhấn mạnh: “Trường phổ thông muốn triển khai chương trình Cambridge hoặc chương trình tiếng Anh khác đều cần liên hệ với Sở GD-ĐT sở tại để được hướng dẫn các thủ tục đăng ký cần thiết… Bộ không làm việc trực tiếp với các cơ sở giáo dục nước ngoài hoặc thông qua đối tác nào khác về vấn đề này”. Tuy nhiên, thực tế cho đến nay chương trình Cambridge triển khai trong các trường công lập ở TP.HCM lại chỉ thông qua EMG! Cần làm rõ việc để EMG thực hiện chương trình dựa vào cơ sở vật chất sẵn có của các trường công do phụ huynh đóng góp tạo ra sự bất bình đẳng trong các học sinh, giáo viên trong cùng một trường. Việc ưu ái này cũng tạo ra môi trường không công bằng đối với các chương trình tiếng Anh có uy tín chất lượng khác. Theo nguyên tắc, trước khi đưa chương trình tiếng Anh Cambridge vào thực hiện thí điểm ở các trường, phải có bước thẩm định. Vậy các cơ quan chức năng đã tiến hành thẩm định như thế nào và chế độ giám sát đến đâu?... 

Chúng tôi khẳng định, việc thực hiện loạt bài Dạy tiếng Anh Cambridge, ai hưởng lợi ? nhằm đóng góp những ý kiến cụ thể mà bạn đọc đặt ra cho việc thực hiện chủ trương lớn của Chính phủ về Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục. Định hướng loạt bài và quá trình thực hiện loạt bài này thể hiện thông tin đa chiều, khách quan và chính xác trước những hiện tượng có thật, biểu lộ chính kiến của chúng tôi đối với lợi ích chính đáng của đông đảo học sinh cùng các bậc phụ huynh, không vì một động cơ tiêu cực nào. Qua đó, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, xem xét những vấn đề có liên quan mà loạt bài đã nêu ra. 

THANH NIÊN

>> Dạy tiếng Anh Cambridge, ai hưởng lợi ? - Kỳ 6: Phản hồi của Sở GD-ĐT TP.HCM
>> Dạy tiếng Anh Cambridge, ai hưởng lợi? - Kỳ 5: EMG không thực hiện đúng tinh thần Cambridge
>> Dạy tiếng Anh Cambridge, ai hưởng lợi ? - Kỳ 4: Những vấn đề cần minh bạch
>> Dạy tiếng Anh Cambridge, ai hưởng lợi ? - Kỳ 3: “Có chương trình nào nữa mà không độc quyền?”
>> Dạy tiếng Anh Cambridge, ai hưởng lợi? - Kỳ 2: Không nói được bao nhiêu chi phí là vừa phải!
>> Dạy tiếng Anh Cambridge, ai hưởng lợi ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.