Ngày càng xuất hiện nhiều đoạn nhạc rap về các môn học thu hút sự chú ý và thích thú.
|
Rap Truyện Kiều
Mới đây Nguyễn Hữu Danh (sinh viên Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Cần Thơ) đã thực hiện đoạn rap từ câu 1 đến câu 90 của Truyện Kiều gây ấn tượng mạnh với mọi người, thu hút hơn 51 ngàn lượt nghe trên YouTube. Hữu Danh cho biết thực hiện đoạn rap này vì muốn tạo ra cách học thơ dễ hơn, độc đáo hơn.
Trên các diễn đàn học sinh THPT, đoạn rap này được đăng tải và chia sẻ lại rất nhiều. Theo thành viên An Cương của diễn đàn Trường THPT Lưu Tấn Phát (Tiền Giang) thì “việc phổ thơ thành rap như thế khá thú vị, có thể dễ dàng thuộc lòng các câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du”. Còn trên diễn đàn Trường THPT Đầm Dơi (Cà Mau), thành viên Bảo Trúc “hy vọng tác giả sẽ hoàn thiện bài rap này với đủ cả 3.254 câu”. Hữu Danh cũng chính là tác giả đọc rap bài thơ Việt Bắc (Tố Hữu) được giới học sinh thích thú.
Môn nào cũng có
|
Đây không phải là đoạn rap đầu tiên về nội dung môn học. Cách đây không lâu, nhiều bài thơ trong môn Ngữ văn 11 như: Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mạc Tử), Từ ấy (Tố Hữu), Tràng giang (Huy Cận)… đã được thành viên Đình Hiếu đưa vào rap, dựa trên nhạc nền của phim Endless love. Đoạn rap này đã từng được dân mạng hưởng ứng nhiệt liệt.
Và chẳng riêng môn văn, dường như môn nào cũng có thể đọc rap được. Trần Văn Mạnh, cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, từng khiến dân mạng xôn xao và xem là thần tượng khi thực hiện bản rap tóm tắt lý thuyết môn vật lý lớp 12. Những kiến thức về biên độ, sóng ngang, sóng dọc, dao động cơ… được thể hiện bằng rap nhận được những bình luận tích cực từ học sinh đến cả giáo viên.
|
Thậm chí nhạc rap còn có thể giúp học tiếng Anh. Đoạn phim Rap về động từ bất quy tắc trong tiếng Anh đến nay đã thu hút hơn 200 ngàn lượt xem. “Học hoài chẳng thuộc các động từ. Nghe xong đoạn phim này, học theo, nuốt trôi thật nhanh”, Thanh Hằng bình luận.
|
Ngoài việc viết nội dung môn học vào rap, đọc cho dễ nhớ, nhiều người còn sử dụng rap để… thuyết trình. Như Từ Thị Thanh Trúc, học Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM) đã thuyết trình bài Liên minh châu Âu, kiến thức môn địa lý bằng cách đọc rap. Với cách đọc theo nhịp điệu, có tiết tấu, phần thuyết trình độc đáo này nhận được nhiều lời khen và đạt điểm số cao nhất lớp. Hay Nguyễn Thành Trung, sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng áp dụng rap để thuyết trình môn Cơ sở mỹ thuật sản phẩm dệt may.
|
Không chỉ học sinh, sinh viên yêu thích rap, cả giáo viên cũng sử dụng rap để giảng dạy. Như thầy Bùi Như Lạc, giáo viên vật lý của Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) từng mê hoặc dân mạng khi “đọc rap hay như ca sĩ chuyên nghiệp”. Những kiến thức như: điện tích, định luật Cu lông, đại lượng vectơ… được chuyển tải bằng lời rap khiến người nghe thích thú.
Những đoạn rap về các môn học được dân mạng yêu thích - Ảnh: X.P
|
Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM) cũng thường tổ chức những tiết ngoại khóa tuyên truyền bằng cách cho học sinh nghe rap. Những vấn đề thời sự như tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS khô khan được chuyển tải bằng những lời rap vần điệu, những giai điệu nhạc cực hay đã khiến học sinh hào hứng.
Theo chuyên gia tâm lý Biện Chương Dương (Trung tâm đào tạo và tư vấn tâm lý Ý Tưởng Việt), thời điểm trước thì những bài thơ từ vựng tiếng Anh, bài thơ kiến thức hóa học được học sinh ưa chuộng. Tuy nhiên thời đại thay đổi, học sinh không còn hứng thú với kiểu làm thơ đó, và dần dần thì việc học bằng nhạc rap “lên ngôi”.
“Đây là phương thức mới, khá sáng tạo. Tuy nhiên cần chú ý đến mặt hiệu quả. Làm mềm các môn học, nhưng cần chú ý đến khả năng quy nạp các kiến thức vào đoạn rap”, ông Dương nói.
Nhiều giáo viên ở Mỹ cũng thường áp dụng nhạc rap vào những bài học khô khan nhằm thu hút sự chú ý cũng như kích thích học sinh hứng thú học tập. Alex Kajitani, giáo viên dạy toán ở bang California thường xuyên biến các kiến thức toán học thành các bài rap. Chính điều này đã giúp Alex Kajitani đạt danh hiệu Giáo viên của năm cấp bang và lọt vào vòng chung kết trong cuộc thi cấp quốc gia.
|
Bình luận
* “Thích được nghe thuyết trình bằng rap. Vì cách thuyết trình truyền thống dễ khiến buồn ngủ, còn đọc rap rất thu hút sự chú ý”. (Trương Sơn/ hsgs.edu.vn)
* “Học bài, đọc đi đọc lại trăm lần chẳng nhớ. Chứ tìm beat nhạc, đọc theo nhịp, theo tiết tấu, là có thể dễ dàng thuộc trong vòng vài nốt nhạc”. (Đức Thanh/ nguyenhue. phuyen.edu.vn)
* “Giáo viên bộ môn nào cũng thích nhạc rap, biết đọc rap và có thể đưa nội dung giảng dạy vào nhạc rap thì hay biết mấy nhỉ. Giúp học sinh thêm cảm hứng, niềm vui khi học tập”. (Lê Phú/nguyenhuuhuan.info)
|
Bình luận (0)