Tình trạng sụt lún đất do khai thác nước ngầm ở ĐBSCL khiến mực nước ngầm một số nơi đã giảm từ 20 - 40 m, theo báo cáo “Tác động của 25 năm khai thác nước ngầm lên sụt lún đất ở ĐBSCL”, do Trường ĐH Utrecht (Hà Lan) phối hợp với các chuyên gia VN thực hiện.
tin liên quan
Mưa to nhiều giờ, đông Sài Gòn ngập lênh lángCơn mưa kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ kèm theo gió giật khiến nhiều tuyến đường tại TP.HCM ngập sâu trong nước.
Thủy triều ngày càng cao
Các luống hành tím, củ cải trắng trồng cặp đường Nam Sông Hậu ở TX.Vĩnh Châu, Sóc Trăng vẫn xanh tươi nhờ nguồn nước ngầm tưới mát rượi. Sự khác biệt lớn nhất trước nay với những người dân ở đây chỉ là cách khai thác nước ngầm ngày càng khó khăn hơn.
Anh Vẹn, một cán bộ công tác trong ngành tài nguyên - môi trường địa phương, cho biết mặt đất có lún hay không thì không ai cảm nhận được nhưng có một sự thật mà ai sống dọc con sông Mỹ Thanh cũng nhận thấy là mấy năm gần đây thủy triều ngày một cao hơn. "Cụ thể nhà tôi, những đợt thủy triều cao nhất năm 2015 chỉ ngập nền nhà sau, sang năm 2016 nước ngập luôn cả nhà trước trong khi hai nền chênh nhau một tấc. Người dân ở đây ai có tiền thì nâng nền, người ít tiền hơn “đắp đê” be xung quanh nhà cho nước khỏi tràn vào", anh Vẹn kể.
Cách TX.Vĩnh Châu gần 40 km, anh N.T.Nhất (ngụ TP.Sóc Trăng) cho biết khoảng 5 - 7 năm nay đỉnh triều cường ngày một cao, đặc biệt trong 2 năm gần đây, dễ thấy nhất là ở khu vực phường 2. Một số tuyến tỉnh lộ thỉnh thoảng cũng bị ngập dù gần đây đã được nâng cấp.
Nhiều người sống ở khu vực ven biển tỉnh Bạc Liêu cũng có chung sự thắc mắc “không hiểu sao thủy triều năm nào cũng tăng và dường như tăng rất nhanh”. Chị Lê Kim Nhân (ngụ ấp Bà Hương, xã Đất Mũi, H.Ngọc Hiển, Cà Mau) lo lắng: "Mấy năm gần đây đỉnh triều cường mồi năm tăng từ 2 - 3 tấc".
Theo báo cáo của ĐH Utrecht, từ năm 1991 tình trạng khai thác nước ngầm ở ĐBSCL bắt đầu vượt mức, dẫn đến sụt giảm mực nước, lún tăng dần cùng với sự cạn kiệt tầng nước ngầm. Tốc độ sụt lún nhanh nhất là thời điểm hiện tại.
Ý thức được mức độ nghiêm trọng của tình trạng khai thác nước ngầm hiện nay, lãnh đạo Sóc Trăng đã ra văn bản cấm việc nuôi thủy sản nước ngọt trong vùng mặn đồng thời lên kế hoạch đầu tư hệ thống xử lý nước mặt phục vụ cho sinh hoạt của người dân đô thị. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại tình hình ô nhiễm nước sông hiện nay sẽ rất khó thực hiện.
tin liên quan
Gần 385 triệu USD giúp ĐBSCL chống chịu biến đổi khí hậuNgày 1.12, tại Cần Thơ, Bộ NN-PTNT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội nghị “Khởi động dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững”.
Phục hồi nước sông, giảm thâm canh lúa
Theo các chuyên gia, ở ĐBSCL sụt lún có một số nguyên nhân như sự co nén tự nhiên của các tầng địa chất, khai thác nước ngầm và thiếu vật liệu bồi đắp để bù lún. Trong một vài thập niên gần đây, Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện làm lượng phù sa sụt giảm đã làm giảm đáng kể sự bù lún tự nhiên làm cho quá trình sụt lún diễn ra nhanh hơn.
TS Lê Xuân Thuyên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) lo lắng: Có thể ta phải nghĩ tới việc ưu tiên khu vực bảo vệ khi mà tiềm lực kinh tế không đủ giúp ta giữ toàn bộ đồng bằng. Nếu phải giữ ở đâu thì cũng sẽ là một câu hỏi khó trả lời ngay, bởi chúng ta cần có số liệu đo lún đủ dày với nhiều điểm đo hơn để có bộ dữ liệu thực chính xác. Đây chính là điều mà các kết quả mô phỏng đã công bố không thể đáp ứng được. “Cách tốt nhất hiện nay mà chúng ta có thể làm là hãy sử dụng tiết kiệm nước, kể cả nước sông và đặc biệt là nước ngầm. Điều này sẽ giúp ích nhiều mặt về lâu dài cho mỗi người và cho cả cộng đồng. Có những quốc gia còn khô hạn, thiếu nước hơn chúng ta nhưng họ vẫn sống đủ tiện nghi và phát triển rất tốt”, TS Thuyên nói.
Chuyên gia độc lập Nguyễn Hữu Thiện phân tích lâu nay dư luận chú ý nhiều đến nước biển dâng và hạn hán, xâm nhập mặn, nhưng sụt lún đất và sạt lở mới là vấn đề nghiêm trọng nhất, đe dọa sự tồn tại của ĐBSCL. Thực tế nước biển dâng chỉ khoảng 2 - 3 mm/năm trong khi sụt lún đất làm chìm đồng bằng nhanh gấp 10 lần như thế và sạt lở diễn ra gần 1.000 km bờ sông, bờ biển.
Nhờ có kỹ thuật khoan ngày càng tiện lợi hơn nên nước ngầm được sử dụng thoải mái, dùng để tưới hoa màu quanh năm, kể cả bơm vào ao nuôi cá nước ngọt. Chương trình nước sạch nông thôn cũng lấy nguồn từ nước ngầm. Khi thấy xâm nhập mặn thì giải pháp dễ nghĩ đến nhất là làm công trình ngăn mặn, trữ ngọt, nhưng thực tế ở những nơi ngăn mặn trữ ngọt, người dân cũng chỉ sử dụng nước ngầm cho sinh hoạt vì sông rạch bị đê, cống ngăn và đặc biệt, ô nhiễm nặng nề nên không sử dụng được.
"Để cứu ĐBSCL khỏi biến mất vì sụt lún thì không có cách nào khác hơn là phải hạn chế sử dụng nước ngầm để phục hồi. Nhưng giải pháp lại nằm ở phục hồi nước sông rạch bằng cách chuyển hướng sang canh tác sạch, giảm thâm canh lúa; xử lý nước thải trước khi đổ ra sông; không nên chạy theo phát triển công nghiệp lạc hậu đe dọa nguồn nước sông ngòi, kể cả nước mưa vì ô nhiễm không khí. Quan trọng hơn là không nên lầm tưởng công trình ngăn mặn, trữ ngọt sẽ cung cấp được nước ngọt cho sinh hoạt", chuyên gia Thiện nói.
tin liên quan
Bảo vệ ĐBSCL trước việc xây thủy điện Pak BengNgày 15.5, Bộ trưởng Bộ TN-MT kiêm Chủ tịch Ủy ban Sông Mê Kông VN Trần Hồng Hà đã có ý kiến chính thức về việc Lào xúc tiến xây dựng thủy điện Pak Beng (Pắc-Beng) ở thượng nguồn sông Mê Kông.
Bình luận (0)