ĐBSCL đang phụ thuộc nhiều vào các cảng biển tại TP.HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu

21/07/2023 15:43 GMT+7

VIAC và VCCI Cần Thơ cùng Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp ĐBSCL hợp tác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết khó khăn, tạo môi trường đầu tư thuận lợi trong khu vực.

Ngày 21.7, tại TP.Cần Thơ, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức hội nghị quốc tế "Nhận diện các vấn đề khó khăn trong thu hút đầu tư và giao thương quốc tế tại ĐBSCL". Tham dự có hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan nhà nước, lãnh đạo các địa phương và hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Hợp tác giúp doanh nghiệp đầu tư thuận lợi tại ĐBSCL - Ảnh 1.

Các chuyên gia, doanh nghiệp cùng trao đổi tìm điểm nghẽn của kinh tế khu vực

THANH DUY

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết ĐBSCL có thế mạnh về sản xuất lúa gạo, thủy sản, rau quả và tiềm năng lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn rất dè dặt khi đầu tư vào khu vực này vì nhiều điểm nghẽn về hạ tầng, giao thông nội vùng và liên vùng thiếu tính liên kết, phát triển chưa đồng bộ. Ngoài ra, khung pháp lý, thủ tục đầu tư còn nhiều phức tạp, chồng chéo.

Theo bà Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI), vấn đề của ĐBSCL còn nằm ở khâu vận chuyển tiêu thụ, thiếu thiết bị bảo quản nông sản. Hằng năm, nhu cầu vận tải hàng hóa xuất khẩu của vùng lên đến vài chục triệu tấn. Tuy nhiên, hiện chỉ có 3 địa phương trang bị kho lạnh thương mại (Long An, Hậu Giang, Cần Thơ). Vùng ĐBSCL đang phụ thuộc rất nhiều vào các cảng biển tại TP.HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu. Điều này dẫn đến một số cảng biển thường xuyên quá tải, kéo theo phí dịch vụ tăng, lưu bãi và thời gian chờ kéo dài. Việc chi trả cho logistics quá cao trở thành gánh nặng, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh sản phẩm của các doanh nghiệp.

Hợp tác giúp doanh nghiệp đầu tư thuận lợi tại ĐBSCL - Ảnh 2.

Các diễn giả thảo luận về vấn đề khó khăn trong thu hút đầu tư và giao thương quốc tế tại ĐBSCL

THANH DUY

Bên cạnh đó, vấn đề giao thương quốc tế của ĐBSCL cũng đang gặp nhiều khó khăn. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC nhận định, do ảnh hưởng bối cảnh toàn cầu, đầu năm đến nay, thị trường xuất khẩu liên tục hoãn, nhiều đơn hàng bị hủy, gây ra những bất cập và làm tăng khả năng phát sinh tranh chấp. Thống kê từ VIAC cho thấy, tỷ lệ tranh chấp liên quan đến hợp đồng ngoại thương, đầu tư có xu hướng tăng qua các năm. Riêng năm 2022, tỷ lệ tranh chấp có yếu tố nước ngoài đã gần 30%. 

Trước thực trạng này, ông Lộc cho rằng việc hỗ trợ doanh nghiệp những thông tin, công cụ để phòng tránh các rủi ro, ngăn ngừa tranh chấp là rất cần thiết và cần được đầu tư đúng mức.

Nhằm chung tay tìm ra giải pháp hữu hiệu hỗ trợ các doanh nghiệp, tại hội nghị, VIAC cùng VCCI Cần Thơ và Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp ĐBSCL đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác. Nội dung hướng đến hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết các tranh chấp, nâng cao năng lực pháp lý, phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh, nhằm thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư chất lượng cao, qua đó thúc đẩy nền kinh tế trong khu vực phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.