Đề án tái cơ cấu nông nghiệp: Cần hợp tác sản xuất với quy mô lớn

05/09/2013 03:20 GMT+7

Tái cơ cấu nông nghiệp cần thiết phải chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô lớn, đột phá vào khoa học kỹ thuật, tạo sản phẩm giá trị cao… nhưng nền tảng quan trọng này chưa được đề án thể hiện rõ.

Tái cơ cấu nông nghiệp cần thiết phải chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô lớn, đột phá vào khoa học kỹ thuật, tạo sản phẩm giá trị cao… nhưng nền tảng quan trọng này chưa được đề án thể hiện rõ.

 Tái cơ cấu nông nghiệp cần phải thay đổi cơ cấu tổ chức sản xuất theo quy mô lớn
Tái cơ cấu nông nghiệp cần phải thay đổi cơ cấu tổ chức sản xuất theo quy mô lớn - Ảnh: C.Nhân

TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách - Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard), cho chúng tôi xem bức ảnh một cánh đồng ở Hà Tây. Nó giống như một bàn cờ, mỗi ô vuông rộng chừng một sân bóng đá mini. “Làm sao đưa được con trâu vào để cày, rồi nước, phân bón, giống…”, TS Sơn nói. Sản xuất manh mún nên mức tích lũy của nông hộ hiện nay chỉ ở mức 10 triệu đồng/năm, quá ít để có thể tái đầu tư sản xuất mở rộng. Việt Nam đang có tới 61% nông dân có đất sản xuất dưới 0,5 ha, 32% có đất từ 0,5 - 3 ha. Đề án đặt mục tiêu sẽ xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại, khu nông nghiệp công nghệ cao đạt tiêu chuẩn quốc tế… Tuy nhiên, vấn đề liên kết, tổ chức mô hình, phương thức sản xuất theo quy mô lớn lại chưa được tính đến.

 

Phải hợp tác hóa nếu không thì không thể nào đi lên được, các nông hộ thì đất đai lụn vụn, lặt vặt làm sao mà công nghiệp hóa, giá trị hàng hóa lớn được

GS-TS Bùi Chí Bửu

Mô hình công ty cổ phần nông nghiệp

GS-TS Bùi Chí Bửu - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, dẫn bài học kinh nghiệm từ Đài Loan, Hàn Quốc hay Israel, GS Bửu nói: Từ vài chục năm trước các nước, lãnh thổ này đã mạnh dạn tổ chức nông thôn mới theo mô hình hợp tác xã (HTX). Những người điều hành như chủ nhiệm hay kế toán của HTX là những người có trình độ chuyên môn cao được chính HTX thuê về làm việc. HTX của họ làm việc hiệu quả và rất chuyên nghiệp trong khi Việt Nam vẫn mang nặng tính hình thức, mạnh ai nấy làm nên không có hiệu quả. “Phải hợp tác hóa nếu không thì không thể nào đi lên được, các nông hộ thì đất đai lụn vụn, lặt vặt làm sao mà công nghiệp hóa, giá trị hàng hóa lớn được”, GS Bửu kết luận.

Trong lĩnh vực lúa gạo đã hình thành các mô hình cánh đồng mẫu lớn. Tuy nhiên, theo GS Bửu, cánh đồng mẫu lớn chỉ là giải pháp tình thế chứ không giải quyết được căn cơ của vấn đề. Hạn chế của mô hình này là sự liên kết thiếu chặt chẽ giữa nông dân với nông dân và nông dân với doanh nghiệp. Số lượng nông dân quá lớn cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất, thu mua sản phẩm, khiến họ ít nhiệt tình tham gia.

 

Đột phá vào khoa học

Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, một trong những vấn đề cần đổi mới trong tư duy là đầu tư cho khoa học hiện nay quá kém, chỉ khoảng 0,15% tổng chi cho khoa học của nhà nước. Đầu tư cho khoa học nông nghiệp của Việt Nam hiện chỉ có 6 USD/ha/năm, trong khi Hàn Quốc cao gấp chúng ta 50 lần, Thái Lan gấp 10 lần và Philippines gấp 7 lần. Ở Đài Loan, chỉ một viện nghiên cứu rau thôi thì kinh phí đầu tư mỗi năm là 20 triệu USD. Thế nhưng, cả ngành nông nghiệp của Việt Nam mỗi năm chỉ có 30 triệu USD đầu tư cho nghiên cứu khoa học.

C.N

GS Võ Tòng Xuân vẫn thường nhắc đến mô hình công ty cổ phần nông nghiệp. Trong đó những người ở các khâu trong chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ đều là cổ đông. Khi quyền và lợi ích của các bên gắn chặt với nhau như vậy thì không còn lo chuyện “bẻ kèo, lật kèo” lẫn nhau nữa. Khi làm được như vậy nông dân sẽ chuyên tâm vào việc làm sao để có năng suất cao, chất lượng tốt và an toàn. Việc tiêu thụ thế nào đã có bộ phận làm thương mại phụ trách.

Đừng tăng lượng mà không tăng chất

Theo đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, chúng ta sẽ duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Mở rộng diện tích trồng bắp để đạt sản lượng 8,5 triệu tấn nhằm cung cấp nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Theo GS Bửu, tổng giá trị của thị trường gạo thế giới trung bình mỗi năm khoảng 10 tỉ USD. Giới chuyên môn xem đây là một “thị trường mỏng” nên bất cứ khi nào nguồn cung vượt cầu thì giá lập tức giảm. Trong khi đó thị trường rau của thế giới mỗi năm đạt giá trị tới 160 tỉ USD. Châu Á đang có Trung Quốc và Hàn Quốc tiêu thụ rau rất lớn. Trong đó, Hàn Quốc phải nhập khẩu 80% rau. Đó là loại nông sản mà Việt Nam cần hướng tới.

Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng cho rằng: Tái cơ cấu nông nghiệp không chỉ làm gói gọn trong ngành nông nghiệp mà cần phải phối hợp với các doanh nghiệp chế biến để bàn với nhau từng khâu, từng khâu một làm sao nâng được giá trị nông sản. Trước đây chúng ta đã suy nghĩ quá đơn giản nên suốt hai ba chục năm qua chỉ tăng lượng mà không tăng chất và người ta đã coi nông nghiệp đồng nghĩa với nghèo.

Manh mún và thiếu vốn

Trong hai ngày 4 - 5.9, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Bộ NN-PTNT, Hội Nông dân VN phối hợp tổ chức Hội thảo “Mô hình tổ chức sản xuất, quản lý mới trong nông nghiệp, nông thôn” tại Cần Thơ, với sự tham dự của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và một số nông dân tiêu biểu.

Theo Bộ NN-PTNT, hiện ngành nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn khi tốc độ tăng trưởng ngày càng chậm lại. Trong khi rất cần vốn để đầu tư sản xuất thì đồng vốn đổ vào nông nghiệp rất hạn chế. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực này hiện chỉ chiếm 1 - 2% tổng vốn FDI so với con số 7  - 10% cách đây 10 năm. Tình trạng manh mún đất đai vẫn chưa thể khắc phục, vai trò của quy hoạch và chiến lược phát triển vùng không rõ ràng.

Tiến Trình

Chí Nhân

>> Đề án tái cơ cấu nông nghiệp: Nông dân chưa được 'tái' thu nhập
>> Tái cơ cấu chưa thực sự diễn ra
>> Quốc hội quyết nghị giám sát tối cao thực hiện tái cơ cấu kinh tế
>> Tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.