Nói VN là "cá lớn" trong nhóm thị trường cận biên là không hề quá lời. Bởi xét về vốn hóa và thanh khoản, thị trường chứng khoán (TTCK) VN đã lớn hơn nhiều nước nằm trong nhóm mới nổi. Thế nên, quyết tâm nâng hạng chứng khoán VN ngay trong năm sau của Thủ tướng Chính phủ là rất cần thiết và xứng tầm với quy mô thị trường mà chúng ta đang có. Thực tế, VN đã được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng từ tháng 9.2018. Tuy nhiên do không đáp ứng đủ các tiêu chí mà FTSE Russell (một trong 3 tổ chức lớn về xếp hạng thị trường trên thế giới, gồm FTSE Russell, MSCI và S&P Dow Jones Indices) đưa ra nên chúng ta bị cân nhắc loại ra khỏi danh sách theo dõi này. Lần gần nhất là tháng 3.2023, FTSE Russell cân nhắc loại VN nếu không có lộ trình cải cách thị trường trước tháng 9.2023. Còn trong đợt rà soát gần nhất của MSCI vào tháng 6.2023, VN mới chỉ đáp ứng 8/17 tiêu chí nâng hạng của tổ chức này và không được đưa vào danh sách theo dõi để nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Nhìn vào mức độ đáp ứng kể trên thì có thể nói dù được đánh giá là "cá lớn" nhưng thách thức để được nâng hạng của chúng ta không hề đơn giản. Đơn cử, cả hai tổ chức nói trên đều yêu cầu TTCK VN cải thiện độ minh bạch thông tin qua các tiêu chí "Quyền bình đẳng của các nhà đầu tư nước ngoài", "Luồng thông tin - cung cấp chi tiết và đầy đủ bằng các thứ tiếng khác nhau" và "Đối xử công bằng với các cổ đông thiểu số". Theo đó, ngoài việc thường không có bản tiếng Anh hoặc không đủ chi tiết, ảnh hưởng tới quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài, thì các vi phạm quy định công bố thông tin trên thị trường cũng khiến giao dịch của nhà đầu tư nhỏ lẻ bị thiệt thòi.
Cũng phải thừa nhận minh bạch thông tin luôn là vấn đề gây bức xúc cho các nhà đầu tư trên TTCK lâu nay. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ vi phạm bán khống, nâng giá, giao dịch nội gián, thao túng chứng khoán... Minh chứng rõ nhất là các vụ án FLC và Tân Hoàng Minh, mà theo nhận xét của người phát ngôn Bộ Công an là "gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về hiện tượng thao túng thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu". Hay hạ tầng công nghệ của TTCK VN vẫn còn yếu, tình trạng nghẽn mạng khi giao dịch tăng vọt vẫn xảy ra. Các nhà đầu tư hẳn chưa quên "cú nghẽn lịch sử" trên sàn HoSE năm 2021. Thời điểm đó, bình quân có tới 100.000 tài khoản mở mới/tháng, lượng lệnh tăng vọt trong khi năng lực xử lý của HoSE không theo kịp dẫn đến tình trạng sàn đơ cứng trong hơn 2 giờ, chỉ số chứng khoán đang từ tăng quay đầu giảm mạnh khi trở lại. Tình trạng nghẽn lệnh không chỉ ảnh hưởng lớn đến tâm lý, quyền lợi của nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến uy tín của TTCK VN với giới đầu tư quốc tế.
Dẫn lại một vài ví dụ để thấy muốn nâng hạng TTCK VN từ cận biên lên mới nổi để thu hút hàng chục tỉ USD vốn ngoại thì không chỉ lớn về quy mô, mà quan trọng hơn là chất lượng. Mà chất lượng thì đã có tiêu chí hết sức rõ ràng, cụ thể...
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ dứt khoát "đã nói là làm", vì thế nhiệm vụ của các cơ quan có thẩm quyền là quyết liệt thực hiện để kịp nâng hạng TTCK trong năm tới theo đúng kế hoạch.
Bình luận (0)