(TNO) Ngồi quá lâu được chứng minh có thể làm tăng nguy cơ tử vong do mắc các bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim, ung thư.
Ngồi quá nhiều gây tác hại lớn cho sức khỏe - Ảnh: Shutterstock
|
Một nghiên cứu cho thấy ngồi hơn 8 tiếng đồng hồ một ngày được liên kết với việc làm tăng 90% nguy cơ bị tiểu đường loại 2, theo Mercola.
Trong nhiều thập niên qua, tập thể dục được coi là giải pháp tối ưu cho lối sống ít vận động. Tuy nhiên, mặc dù tập thể dục, đặc biệt là tập trong khoảng thời gian ngắn với cường độ cao giúp mang lại sức khỏe tối ưu, nhưng một số nghiên cứu cho thấy nó cũng không thể chống lại các tác động của việc ngồi quá nhiều.
Trong thực tế, tỷ lệ tử vong do ngồi nhiều tương tự như việc hút thuốc. Vì thế, hãy ngồi khi thật sự cần thiết để tránh những rủi ro liên quan đến sức khỏe.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Utah (Mỹ) vừa phát hiện ra cách có thể giúp giảm bớt những rủi ro cho những người làm việc văn phòng khi mà việc ngồi nhiều là không thể tránh khỏi.
Đi bộ 2 phút sau mỗi giờ. Tập thói quen sau mỗi 1 tiếng ngồi làm việc, dành ra 2 phút đứng lên và đi bộ. Những người tham gia vào hoạt động với cường độ thấp như vậy có thể kéo dài tuổi thọ đến 33% so với những người không thực hiện thói quen này.
Đây là một thủ thuật đơn giản mà hầu như mọi người đều có thể áp dụng để cắt giảm những ảnh hưởng đến sức khỏe do việc ngồi nhiều.
Tiến sĩ James Levine của Đại học bang Arizona (Mỹ) và là tác giả của cuốn Get Up! cùng đồng sự của ông đã tiến hành một nghiên cứu và rút ra nhận xét, khi chúng ta ngồi trong một thời gian dài và sau đó đứng dậy, sẽ có một số phản ứng phân tử xảy ra. Cụ thể, trong 90 giây đứng lên đó, hệ thống cơ bắp và các tế bào cũng như việc xử lý lượng đường trong máu, triglycerides và cholesterol sẽ được kích hoạt. Hiệu ứng này có trách nhiệm thúc đẩy nhiên liệu vào các tế bào và nếu được thực hiện thường xuyên, triệt để sẽ làm giảm nguy cơ bệnh tiểu đường và béo phì.
Ngồi ít hơn 3 giờ một ngày. Những người ham công tiếc việc, có thói quen ngồi từ 12-14 giờ mỗi ngày, cuối cùng đều nhận được một “món quà tuyệt vời”: đau lưng. Tình trạng này chỉ thuyên giảm khi hạn chế thời gian ngồi, kết hợp cùng việc tích cực vận động. Một trong những phương pháp hiệu quả nhất để thoát khỏi chứng “bệnh” ngồi lâu là cố gắng đi bộ một vài phút sau mỗi giờ. Nhiều nghiên cứu còn cho thấy việc giảm thời gian ngồi xuống còn 3 giờ mỗi ngày có thể giúp tuổi thọ tăng thêm 2 năm. Luôn nhớ rằng, ngồi quá nhiều có liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim, ung thư và bệnh tiểu đường loại 2. Các nhà nghiên cứu từ Toronto (Canada) đi đến kết luận này sau khi phân tích 47 nghiên cứu về hành vi ít vận động, theo Mercola.
Chọn bàn làm việc đứng. Nếu không thể tránh được việc phải ở thường xuyên trong văn phòng, một giải pháp tối ưu đặt ra là chọn những chiếc bàn làm việc dạng đứng. Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Y tế dự phòng tại Mỹ đã phân tích 23 nghiên cứu về lợi ích của việc thực hiện công việc ở những chiếc bàn dạng đứng cho thấy, bàn đứng giúp tăng nhịp tim, đồng thời tăng cholesterol HDL “tốt” và giúp giảm cân.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác được tiến hành ở những người sử dụng bàn đứng trong vòng 7 tuần, cho kết quả họ cảm thấy ít bị mệt mỏi, căng thẳng, rối loạn, trầm cảm, đồng thời sức sống, năng lượng, sự tập trung và hạnh phúc có xu hướng tăng cao.
Luôn đảm bảo chuyển động. Nếu việc chuyển đổi sang bàn làm việc dạng đứng quan trọng như thế nào, thì việc cố gắng đứng lên hoặc di chuyển xung quanh trong khi xem TV, nói chuyện điện thoại bất cứ lúc nào có thể cũng quan trọng không kém.
Ngoài ra, cần tổ chức, bố trí không gian nơi làm việc theo cách có thể giúp bạn đứng lên và di chuyển để tiếp cận. Ví dụ, các tập tin, điện thoại, máy in nên để cách xa bàn làm việc nhằm giúp bạn có cơ hội đi lại, thay vì với tay lấy một cách dễ dàng.
Bên cạnh đó, hãy thiết lập mục tiêu đi 7.000 đến 10.000 bước một ngày (hoặc 6-9 km) là điều cần thiết để tránh những tác hại do việc ngồi nhiều.
Bình luận (0)