THÍCH VIẾT "ẨN DANH" HƠN ĐẶT CÂU HỎI TRỰC TIẾP
Năm học mới 2024 - 2025 đã qua 2 tuần lễ, trên một nhóm (group) phụ huynh ở TP.HCM với mười mấy ngàn người theo dõi đã tấp nập các bài viết thắc mắc về các khoản thu chi, mua ti vi, máy lạnh, sắp xếp các môn tự nguyện trong thời khóa biểu trường học.
Phía dưới các bài viết này (đại đa số để chế độ "người tham gia ẩn danh") là những "còm" khác của các phụ huynh đặt vấn đề "thay vì nói khơi khơi ở trên đây, sao không trao đổi trong group lớp hay gặp thầy cô ở trường con học để hỏi thẳng thắn và trao đổi". Một người trong nhóm này cũng bày tỏ: "Tôi thấy rất nhiều phụ huynh khi được lấy ý kiến ở lớp, ở trường thì không nói gì nhưng về nhà là lên mạng viết".
Hiệu trưởng một trường THCS tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết ông mong muốn được lắng nghe các ý kiến đóng góp thiện chí từ các giáo viên, phụ huynh học sinh (HS), về thắc mắc chương trình, về các khoản thu chi hay bất cứ vấn đề gì ở trường lớp để có thể kịp thời nắm bắt thông tin, thay đổi, điều chỉnh nếu có bất hợp lý. "Tuy nhiên hòm thư góp ý tôi treo ở ngoài cổng trường thường không nhận được lá thư nào, ngoài mấy mẩu giấy học trò viết linh tinh. Email tôi công khai trên trang web trường học cũng thi thoảng nhận được vài câu hỏi về tuyển sinh, còn lại ít nhận được thư của phụ huynh", ông cho biết thêm.
TRÁCH NHIỆM CỦA THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ RẤT LỚN
Nhà giáo Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết những năm học qua Sở GD-ĐT TP.HCM hướng dẫn và chỉ đạo rất nghiêm khắc, quyết liệt về vấn đề thu chi, công khai thu chi trong từng cơ sở giáo dục, về chống lạm thu, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong việc chống lạm thu, chống phát sinh những khoản thu không được phép. HĐND TP.HCM đã có nghị quyết quy định các khoản thu; Bộ GD-ĐT cũng ban hành đầy đủ các thông tư, như Thông tư 55 về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ HS; Thông tư 16 về Quy định tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân…
"Tôi thấy tất cả các văn bản, quy định, thông báo, hướng dẫn của ngành giáo dục đều hết sức dễ hiểu, cụ thể, chi tiết. Thế nhưng tại sao năm học nào chúng ta cũng thấy ở đâu đó lùm xùm về thu chi, có nơi này nơi khác làm phiền lòng HS, phụ huynh về các khoản thu, đến mức nhiều phụ huynh HS còn nói rằng "họp phụ huynh HS đầu năm chỉ để nói thu tiền". Trong câu chuyện này, vai trò, trách nhiệm lớn nhất là thủ trưởng đơn vị - hiệu trưởng nhà trường. Là người đứng đầu một cơ sở giáo dục, khi có sự vụ gì xảy ra, hiệu trưởng không thể nào nói "tôi không nắm vững văn bản", "tôi chưa hiểu rõ quy định" hay "tôi không biết, khoản thu đó là phụ huynh HS lớp đó triển khai, tôi không nắm gì hết", đây là những lời nói ngụy biện", nhà giáo Nguyễn Văn Ngai thẳng thắn.
"Là người đứng đầu nhà trường, hiệu trưởng phải có trách nhiệm tìm hiểu các văn bản, quy định, các chỉ đạo của cấp trên để triển khai trong trường học mình. Trong quá trình thực hiện, nếu hiệu trưởng thấy có gì chưa phù hợp, cần điều chỉnh thì phản ánh lên cơ quan cấp trên; nhưng trong lúc chờ hướng dẫn thì hiệu trưởng vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật, văn bản hiện hành. Là thủ trưởng đơn vị, quản lý chung của nhà trường trong mọi mặt, hiệu trưởng phải là người đầu tàu, gương mẫu, vừa mang lại hiệu quả tốt đẹp cho nhà trường, cũng là xây dựng uy tín cho bản thân thủ trưởng đơn vị", ông Nguyễn Văn Ngai nói.
Ông Ngai cũng mong muốn các cuộc kiểm tra, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất của lãnh đạo Sở GD-ĐT về các khoản thu chi trong năm học mới 2024 - 2025 này phát huy hiệu quả. Trường hợp nào cố tình vi phạm để xảy ra lạm thu thì phải xử lý nghiêm khắc.
"Phải công khai việc xử lý sai phạm trong toàn ngành để vừa răn đe những người cố tình làm sai, vừa để tránh những hiện tượng sai phạm tương tự ở những cơ sở giáo dục khác", ông Ngai trao đổi.
CẦN NHỮNG TIẾNG NÓI THIỆN CHÍ TỪ PHỤ HUYNH
Anh N.V, phụ huynh HS một trường tiểu học tại Q.Bình Tân, TP.HCM, cũng là GV đang công tác tại một trường trung học công lập ở TP.HCM, cho biết để góp phần mang lại môi trường học tập hạnh phúc, văn minh cho HS, phụ huynh không đứng ngoài cuộc.
"Khi thấy có vấn đề gì chưa ổn trong lớp học, trường học, ở cương vị một phụ huynh HS, tôi chọn cách trao đổi, góp ý, chia sẻ trực tiếp với trường đó. Nếu nhà trường, thầy cô có thái độ cầu thị, thay đổi theo hướng tốt hơn thì rất hay; còn nếu ngược lại, phụ huynh HS hoàn toàn có những kênh văn minh hơn để phản ánh, bằng văn bản, email, số điện thoại đường dây nóng ở Phòng GD-ĐT; Sở GD-ĐT", anh V. cho biết.
Anh V. cũng cho rằng phụ huynh không nên chọn mạng xã hội là kênh đầu tiên để bày tỏ sự bức xúc về trường lớp của con em mình, điều này không phải là cách thiện chí để xây dựng môi trường học tập lành mạnh, chưa kể thông tin lan truyền trên mạng xã hội chưa được kiểm chứng gây nhiều hậu quả tai hại.
Hiệu trưởng một trường THCS tại Q.Bình Thạnh cho hay hiện nay các nhà trường đều cần có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện công khai trên trang web chính thức của nhà trường tất cả nội dung Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu, trong đó có công khai về thu chi tài chính (các khoản thu của nhà trường theo ngân sách nhà nước; học phí; các hoạt động…; các khoản chi của nhà trường cho lương, thu nhập giáo viên, nhân viên, cơ sở vật chất…); các khoản thu, mức thu với người học; chính sách miễn giảm học phí; số dư các loại quỹ và các nội dung công khai tài chính khác theo quy định của pháp luật…
"Khi nhà trường đã công khai tất cả các thông tin, rất mong phụ huynh dành thời gian quan tâm, nghiên cứu các văn bản, nội dung. Để đồng hành hiệu quả cùng con, song hành với nhà trường trong quá trình giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng HS, phụ huynh cũng cần có sự am hiểu về tính chất đặc thù của cấp học. Chúng tôi rất mong có được sự góp ý thiện chí từ phụ huynh. Chúng tôi thấu hiểu là phụ huynh có thể e ngại khi góp ý công khai trong cuộc họp, nhưng cha mẹ HS có thể gửi các phản ánh tới giáo viên chủ nhiệm, tới ban giám hiệu qua các kênh hòm thư, email, tin nhắn điện thoại…", hiệu trưởng này nói.
Đồng thời, theo vị này, chính giáo viên chủ nhiệm, chiếc cầu nối giữa cha mẹ HS và nhà trường, cần phải có những cách giao tiếp, nắm bắt thông tin khéo léo, chính xác, kịp thời.
Đóng góp phải đúng với bản chất của tự nguyện
Bước vào năm học mới, lạm thu là vấn đề khiến phụ huynh lo lắng. Tình trạng lạm thu đã và đang gây ra hệ lụy xấu, ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục.
Lạm thu xuất phát từ việc trang bị các điều kiện, cơ sở vật chất cần thiết để phục vụ hoạt động dạy học, nhưng chưa thực hiện tốt việc công khai, minh bạch, chưa phát huy dân chủ như hạn chế quyền của phụ huynh HS được tham gia thảo luận, góp ý đối với các khoản thu của nhà trường.
Bên cạnh đó, việc thu những khoản đóng góp tự nguyện phải để phụ huynh tự nguyện, không nên yêu cầu hoặc bắt buộc phụ huynh phải đóng góp mức tối thiểu hoặc tối đa. Nhiều khoản thu tự nguyện do ban đại diện cha mẹ HS của lớp thống nhất từ trước và thông báo với toàn thể phụ huynh, nhưng nhiều phụ huynh chưa kịp có ý kiến thì đã biểu quyết thông qua… Ngoài ra, một số nhà trường tự đặt ra các khoản thu không phục vụ nhu cầu trực tiếp của HS.
Vì vậy, ngành giáo dục cần phải chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để chấn chỉnh tình trạng lạm thu; các trường cần phải tăng cường phát huy dân chủ trong việc bàn bạc, thỏa thuận các khoản thu tự nguyện giữa nhà trường, ban đại diện cha mẹ HS và phụ huynh HS.
Đỗ Văn Nhân (Kon Tum)
Bình luận (0)