Năm học mới: TP.HCM số hóa dữ liệu học sinh, Hà Nội ngăn chặn lạm thu

05/09/2024 06:45 GMT+7

Năm học 2024 - 2025, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ triển khai lộ trình số hóa toàn bộ dữ liệu thông tin học sinh (HS), từng bước chuẩn bị thí điểm trường học dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2.

Sau năm đầu tiên thí điểm triển khai học bạ số đối với 132.000 HS khối lớp 1, năm học 2024 - 2025, học bạ số tiếp tục được triển khai đối với khối lớp 6, đồng thời số hóa toàn bộ dữ liệu học bạ của HS tiểu học và THCS. Năm học 2025 - 2026, học bạ số được triển khai ở khối lớp 10 và số hóa toàn bộ dữ liệu học bạ của HS cấp THPT. Học bạ số có giá trị pháp lý tương đương học bạ giấy, được sử dụng thay thế học bạ giấy trong các thủ tục hành chính liên quan hoạt động học tập của HS.

Năm học mới: TP.HCM số hóa dữ liệu học sinh, Hà Nội ngăn chặn lạm thu- Ảnh 1.

Năm học 2024 - 2025 là năm cuối hành trình đầu tiên của chương trình giáo dục phổ thông mới

ẢNH: NHẬT THỊNH

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới của TP.HCM diễn ra vào giữa tháng 8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đề nghị: "TP.HCM là đầu tàu kinh tế không chỉ của đất nước mà còn của khu vực, trình độ tiếng Anh của HS phải ngang tầm khu vực và thế giới. Với những thành tựu đã đạt được, TP.HCM phải yêu cầu cao hơn, đòi hỏi hơn nữa. Làm sao TP.HCM sẽ có những trường học dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 sớm nhất, nhiều nhất toàn quốc".

Trước đề nghị có tính chỉ đạo nói trên, trao đổi với PV Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết năm học 2024 - 2025, Sở bắt tay ngay xây dựng dự thảo tiêu chí đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường. Sau khi hoàn thành bộ tiêu chí, ngành giáo dục sẽ triển khai thí điểm ở một số đơn vị trường học, dự kiến bắt đầu từ năm học 2025 - 2026.

Trong năm học mới, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: Ngay đầu năm học, Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Tài chính có các văn bản hướng dẫn thu, chi trong trường học các cấp, sao cho công khai, minh bạch, thu đúng, thu đủ, những khoản nào không được phép sẽ không được thu. Hiệu trưởng hoặc lãnh đạo cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm trước đơn vị quản lý, thậm chí sẽ bị chuyển cơ quan điều tra để xử lý nếu phát hiện sai phạm hoặc để xảy ra lạm thu trong trường học.

Sở GD-ĐT Hà Nội nêu rõ ban đại diện cha mẹ HS chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS, không được thu 7 khoản sau: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của HS; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, GV, nhân viên nhà trường.

Không thu của cha mẹ HS để mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng học tập cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, GV và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.