Để có việc làm tốt sau kỳ thực tập ở nước ngoài

Để có việc làm tốt sau kỳ thực tập ở nước ngoài

Lê Thanh
Lê Thanh
20/09/2019 20:16 GMT+7

Khoảng thời gian thực tập ở nước ngoài không chỉ là cơ hội tốt để sinh viên cọ xát, trải nghiệm thực tế , mà còn là một điểm cộng giúp bạn ghi điểm trong mắt các nhà tuyển dụng.

Làm sao để có một kỳ thực tập ở nước ngoài thành công để khi kết thúc bạn sẽ nhận được một công việc như ý?

Giữ liên lạc và có mối quan hệ tốt với đồng nghiệp

Theo Lê Huy Bình, du học sinh tại Trường ĐH Edinburgh (Anh), các khóa thưc tập ở nước ngoài thường diễn ra trong một thời gian ngắn, và khi rời khỏi công ty bạn nên giữ liên lạc với các đồng nghiệp ở công ty ấy. “Bởi vì họ là những người có kinh nghiệm làm việc và cũng có mối quan hệ nhất định trong lĩnh vực đang làm việc. Từ đó bạn có thể tham khảo ý kiến khi tham gia các công ty khác hay có những lời giới thiệu và biết đâu đó là những cơ hội tuyệt vời cho bạn. Đặc biệt là bạn nên luôn giữ mối quan hệ tốt với người quản lý của bạn tại công ty thực tập bởi vì đó là người đưa ra những mục tiêu mà bạn cần đạt được trong suốt quá trình thực tập, cũng như họ sẽ là người đưa ra những nhật xét (hay cân nhắc viết thư giới thiệu cho bạn) nếu bạn cần cho một công việc mới. Giữ được mối quan hệ tốt với họ bạn sẽ được chia sẻ cởi mở hơn những kinh nghiệm làm việc và những chỉ dẫn tận tình hơn”, Huy Bình khuyên.

Hãy trân trọng mọi cơ hỏi để đặt câu hỏi và tích lũy kinh nghiệm từ mọi người xung quanh

Shutterstock

Trong khi đó, Nguyễn Ngọc Anh, cựu du học sinh của Viện ĐH Monash (Úc), chia sẻ: “Trong quá trình thực tập ở nước ngoài, bạn hãy tận dụng mọi cơ hội để học hỏi. Thầy cô, bạn bè và cả những anh chị đi trước chính là một "kho tàng" để bạn có thể khai thác và tìm tòi, hãy trân trọng mọi cơ hỏi để đặt câu hỏi và tích lũy kinh nghiệm từ mọi người xung quanh”.

Nêu chính kiến nhưng biết lắng nghe

Ngọc Anh, chia sẻ thêm: “Đối với những sinh viên theo học bằng cử nhân đây được xem như là những trải nghiệm “đầu đời” về môi trường làm việc thực tế. Tuy nhiên, với các kỳ thực tập MBA (thạc sĩ), sẽ có những khác biệt nhất định trong việc thực tập. Sinh viên tại bậc học này không còn quá bỡ ngỡ với các công việc thực tế, và mục đích của họ khi tham gia các chương trình thực tập cũng lớn hơn khi còn học tại bậc đại học. Các sinh viên MBA có thể có được một công việc tốt hay nhận được công việc toàn thời gian ngay tại nơi thực tập nếu có những thành tích và thể hiện tốt trong công việc thực tập trước đó”.
Ngọc Anh cho biết: “Khi bạn đã học đến bậc MBA thì tất cả những nơi tuyển dụng bạn đều kỳ vọng ở bạn một sự chuyên nghiệp. Không nhà tuyển dụng nào có thể chấp nhận một thực tập sinh luôn đến muộn, về sớm hay hoàn thành công việc được giao không đúng thời han. Chính vì vậy, trong quá trình thực tập, sự thiếu chín chắn có thể làm sụp đổ cơ hội nhận được công việc toàn thời gian của bạn”.
Với Hà Anh Tuấn, du học sinh của Trường ĐH Công nghệ Thonburi King Mongkut (Thái Lan), thì khi tham gia các chương trình thực tập ở nước ngoài, đừng bao giờ sợ nói ra chính kiến cũng như thể hiện đúng bản thân của mình. Điều này thể hiện sự tự tin và năng động của bạn. “Một số bạn sinh viên khi đi phỏng vấn thực tập có một chút rụt rè và nhút nhát. Đây sẽ là điểm trừ trong mắt các nhà tuyển dụng”, Anh Tuấn nói.
Có chính kiến và thể hiện bản thân là một điều tốt. Tuy nhiên, theo Anh Tuấn, khi bạn quá tập trung bảo vệ ý kiến của mình, bạn có thể đánh mất cơ hội lắng nghe ý kiến của những người khác. “Hãy nhớ rằng bạn là người mới, những đồng nghiệp và cấp trên trong công ty đã có những kinh nghiệm và kiến thức nhất định mà bạn chưa có. Chính vì thế hãy lắng nghe những ý kiến của họ và xem đó như những ý kiến quý giá mà bản thân cần khắc ghi”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.