Mang tính may mắn chứ chưa thực sự căn cơ
Công bằng mà nói các đội U.17 hay U.20 Việt Nam (VN) hiện nay đã sở hữu được nguồn đầu vào khá ổn, nếu xét về tầm vóc hay nền tảng thể lực so với lứa trẻ của bóng đá VN khoảng mươi năm trước. Tuy nhiên, nhìn vào các giải trẻ của khu vực hay châu Á mà các đội U.17 hay U.19, U.20 VN đã và đang tham dự vẫn thấy có cảm giác bất an. Các cầu thủ trẻ VN vẫn chưa hình thành được lối chơi riêng, tư duy chiến thuật còn non nớt, chưa thấy rõ dấu ấn của HLV trưởng. Một bất cập nữa của bóng đá trẻ VN là chưa tạo được sự đồng bộ với cấp độ đội tuyển nên vẫn xảy ra tình trạng, cầu thủ trẻ khi được đôn lên tuyển quốc gia, HLV ngoại mà cụ thể ở đây là HLV Park Hang-seo phải uốn nắn lại nhiều động tác kỹ thuật cơ bản hoặc dạy lại sơ đồ đấu pháp.
Bóng đá trẻ VN (trái) cần phải được đầu tư đồng bộ từ cấp CLB cho đến đội tuyển |
AFC |
Chuyên gia Đoàn Minh Xương nói: “Câu chuyện về đào tạo bóng đá trẻ VN không hề mới nhưng đề tài tưởng là xưa cũ này vẫn đáng được quan tâm ngay vào thời điểm mà chúng ta đang hướng tới mục tiêu World Cup 2026. Các CLB, các địa phương gần đây cũng quan tâm đến bóng đá trẻ nhưng mỗi nơi làm một phách, không có sợi dây xuyên suốt. Vì thế, bóng đá VN cũng chưa thể có được tính ổn định và bền vững. Chúng ta cần học tập các nền bóng đá lớn trên thế giới là phải có được quy trình đào tạo trẻ thống nhất”. Bình luận viên Đặng Phương Nam nhận định: "Công tác đào tạo trẻ VN tuy đang có những tiến bộ và được cải thiện nhiều nhưng vẫn còn những điểm chưa hoàn hảo. Minh chứng rõ rệt nhất là chúng ta vô cùng khó khăn hay nói đúng hơn là chưa thể tìm ra cầu thủ trẻ có thể gánh vác vị trí tiền đạo mục tiêu, cho thấy việc đào tạo nói chung vẫn còn khiếm khuyết.
Trong bóng đá trẻ, mỗi lứa cầu thủ sẽ có một đặc thù riêng. Khi công tác đào tạo trẻ vẫn chưa đạt được tính chuyên nghiệp, chúng ta vẫn chưa thể kỳ vọng đều đặn hằng năm có được những lứa trẻ chất lượng cao. Đào tạo trẻ VN vẫn mang tính may mắn chứ chưa thực sự căn cơ. Chỉ khi nào VN xây dựng được bộ máy đào tạo chuyên nghiệp đủ cả về chiều sâu và bề rộng, mới có thể bảo đảm liên tục có những lứa tốt cho các đội tuyển quốc gia. Một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác đào tạo trẻ của bóng đá VN chưa đạt được độ đồng đều, chưa có được mẫu số chung về kế hoạch tuyển chọn, huấn luyện, chính là vấn đề kinh phí. Các doanh nghiệp khi đầu tư vào bóng đá thường sẽ không thích đầu tư đào tạo trẻ vì không có lợi nhuận. Các tỉnh nhiều khi cũng ỷ lại doanh nghiệp, không chăm chút cho công tác đào tạo trẻ. Cái khó đào tạo trẻ VN là chưa hình thành được hệ thống đào tạo chuẩn mực, xuyên suốt từ trên xuống dưới, từ các trung tâm bóng đá cộng đồng, bóng đá học đường cho đến các CLB và cao nhất là đội tuyển. Như tại Nhật Bản, hệ thống bóng đá trẻ cực kỳ đồng bộ, cầu thủ ở trường học hay ở CLB đều phải tuân thủ kịch bản huấn luyện giống hệt nhau”.
VFF nên có riêng giám đốc đào tạo trẻ
HLV Đoàn Minh Xương đặt ra câu hỏi, vậy làm thế nào để bóng đá trẻ VN theo kịp đà của bóng đá trẻ thế giới? Và ông cũng đưa ra một số giải pháp: “Đã đến lúc, Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) và các CLB phải ngồi lại với nhau để thống nhất kế hoạch về công tác đào tạo trẻ. Nhất là VFF sắp đại hội nhiệm kỳ 9 và nhân sự khóa mới phải thực sự coi đào tạo trẻ là nhiệm vụ sống còn. Không thể tiếp diễn tình trạng manh mún, mạnh ai người nấy làm. Bóng đá trẻ VN cần đạt sự thống nhất về đào tạo cơ bản bắt đầu từ lứa 10 - 15 tuổi và cần phải tuân thủ chung một triết lý bóng đá. Các địa phương vướng mắc chỗ nào, VFF vướng mắc chỗ nào, các bên phải bàn kỹ để cùng nhau tháo gỡ. Và việc đầu tư các đội trẻ cần theo chu kỳ nhất định, chứ không phải đầu tư theo giải. Hết giải là đội cũng giải tán luôn, thật sự lãng phí. Ví dụ hiện tại, chúng ta đang hướng đến World Cup 2026. Vậy thì chu kỳ đào tạo sẽ được giải quyết thế nào là bài toán mà VFF cần phải tính”.
Về nhân sự gánh vác công tác bóng đá trẻ tại VN, theo bình luận viên Đặng Phương Nam: “Giám đốc kỹ thuật VFF Yusuke Adachi đang phụ trách mảng đào tạo HLV để chúng ta có những lứa cầm quân chuẩn mực về chuyên môn. Các HLV có trình độ cao sẽ giúp các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ trong nước nâng tầm, nâng chất lượng, đào tạo được những lứa cầu thủ trẻ giỏi, có tư duy chiến thuật đồng bộ”. HLV Đoàn Minh Xương đưa ra 1 gợi ý khác: “VFF nên đầu tư một khoản tài chính nhất định để trả lương cho đội ngũ HLV của riêng VFF mà đội ngũ này chỉ chăm lo đào tạo trẻ. Các HLV này cần phải đạt những tiêu chí hết sức khắt khe. Muốn công tác đào tạo trẻ đạt hiệu quả cao thực sự, theo tôi, ngoài giám đốc kỹ thuật, có lẽ VFF nên mời chuyên gia ngoại giữ chức giám đốc đào tạo trẻ. Chuyên gia này sẽ xây dựng một kế hoạch tổng thể, đồng bộ từ các cấp độ CLB cho đến các đội tuyển trẻ”.
Đà Nẵng nỗ lực tìm chiến thắng
Tiếp CLB Bình Dương trên sân Hòa Xuân ở trận đấu sớm vòng 18 V-League 2022 diễn ra chiều nay (7.10) là cơ hội cho đội Đà Nẵng tìm lại niềm vui chiến thắng. Đã trải qua 6 vòng đấu không tìm được thắng lợi, đội quân của HLV Phan Thanh Hùng cần xốc lại đội hình để tìm chiến thắng trước CLB Bình Dương, nếu không họ chỉ mới 17 điểm sẽ bị các đội phía sau bắt kịp.
Ở trận đấu này, CLB Đà Nẵng có phần thuận lợi tâm lý vì đối thủ Bình Dương vừa thua tan nát trước CLB Hà Nội ở vòng 17 nên ít nhiều mất đi sự tự tin. Nếu nhập cuộc tốt, chơi quyết tâm và tận dụng tốt các cơ hội có được, CLB Đà Nẵng sẽ có lại niềm vui chiến thắng ở vòng đấu này.
Thành Thắng
Bình luận (0)