Để đạt điểm 9 cộng ở các môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT như thủ khoa

25/04/2021 07:18 GMT+7

Trong chương trình tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức tại tỉnh Bình Dương hôm qua (24.4), các thủ khoa đã 'bật mí' bí quyết độc đáo để đạt được điểm 9 cộng cho các môn ở kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tại chương trình, một học sinh (HS) Trường THPT Nguyễn Trãi đặt câu hỏi cho Trần Đức Lương, thủ khoa đầu vào Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM năm 2019: “Học ngành công nghệ thông tin thì có cần biết viết code hay phần mềm gì trước không? Và ngành này có phù hợp với con gái hay không?”. Lương cho rằng khi ở trường THPT các bạn có thể học trước về viết code nhưng chỉ ở mức độ nhập môn với các ngôn ngữ như C, C++… Nhưng bên cạnh đó các bạn cũng nên đầu tư nhiều cho môn toán, đặc biệt là toán logic.
Theo Lương, trong thời buổi hiện nay thì vấn đề giới tính không còn quan trọng vì cả hai đều có thế mạnh để học tốt ngành này. Tuy nhiên, Lương cho rằng ngành thương mại điện tử và hệ thống thông tin hiện nay các bạn nữ theo học rất nhiều.

Hoàn thành kiến thức lớp 12 trong hè lớp 11 

Một HS đặt câu hỏi cho các thủ khoa: “Đang học lớp 11, tụi em cần chuẩn bị như thế nào để bước vào học lớp 12 thật tốt?”. Từ kinh nghiệm của mình, Trần Ngọc Đoan, thủ khoa đầu vào Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, khuyên HS lớp 11 từ bây giờ nên đọc sách giáo khoa lớp 12, tự tìm hiểu kiến thức để học trước, vì tự học trước chừng nào thì tốt chừng đó.
“Các bạn nên đặt ra lộ trình hoàn thành hết chương trình 12 trong một thời gian nhất định nào đó, để thời gian còn lại luyện đề cho thật tốt. Với bản thân mình thì từ hè năm lớp 11 đã chuẩn bị kiến thức để giải các đề luyện thi tốt nghiệp THPT, vì chúng ta biết đề thi tốt nghiệp THPT phổ kiến thức rất rộng nên cần thời gian rất dài để ôn luyện. Chính vì thế, hoàn thành các kiến thức cơ bản càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong hè lớp 11”, Đoan chia sẻ.

Học sinh tham gia đặt câu hỏi tại buổi tư vấn

Phạm Hữu

Bên cạnh đó, để thi được các môn ở điểm trên 9, HS phải tư duy sao trong thời gian ngắn nhất có thể làm được câu đề yêu cầu. “Khi bạn cố gắng giải đến cùng cho các câu khó thì khả năng tư duy sẽ tăng rất nhiều, từ đó dù khác dạng đề hay khác hoàn toàn cũng không là vấn đề của chúng ta”, Đoan gửi gắm.
Nhiều HS thắc mắc nên trau dồi môn tiếng Anh như thế nào để thi tốt nghiệp THPT. Là thủ khoa khối A1 (toán, lý, tiếng Anh), Trần Đức Lương khuyên nếu HS đang học lớp 11 thì đây là thời điểm thích hợp để trau dồi môn tiếng Anh. Lương khuyên các bạn nên dành thời gian học tiếng Anh trong hè, và nên thi một chứng chỉ nào đó. “Mình được 9,6 điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng việc ôn luyện rất đơn giản vì mình đã chuẩn bị nền tảng tốt từ trước, đó là lý do mình khuyên các bạn nên chuẩn bị từ sớm. Và với bất cứ môn nào các bạn cũng cần nắm rõ được ma trận đề. Các bạn có thể tìm hiểu các đề tham khảo hoặc đề minh họa của Bộ GD-ĐT”, Lương chia sẻ.

Theo đuổi đam mê để có động lực cố gắng

Chia sẻ về bí quyết học khối B, Quang Trọng Minh, thủ khoa đầu ra Trường ĐH Mở TP.HCM, cho rằng học khối B là học những môn mang tính chất không thể thay đổi được, mang tính chất phạm trù, nên cách học vẫn phải là học thuộc. Từ kinh nghiệm của mình, Minh khuyên: “Một số cách có thể ứng dụng để học tốt hơn. Chẳng hạn theo tâm lý học của não bộ, có các cách học qua thị giác, thính giác và vận động. Về thính giác thì có thể ghi âm bài giảng và về nghe lại nhiều lần. Đối với thị giác thì có thể dùng sơ đồ hóa, hình ảnh hóa, biểu đồ hóa và sử dụng các màu sắc để giúp mình nhớ hơn việc chỉ học trên một trang giấy trắng. Học qua vận động thì đối với một số người không thể ngồi yên được mà phải di chuyển hay nói chuyện, tương tác với đám đông thì nên bổ sung những khoảng ngắn nghỉ để vận động giúp cho việc học tốt hơn. Bên cạnh đó, cũng có thể sử dụng công cụ như một trái banh để bóp bàn tay trái giúp kích thích trí nhớ trước khi học. Học xong rồi bóp bàn tay phải vì theo nghiên cứu cho thấy rằng khi bóp bàn tay trái sẽ gợi nhớ những kiến thức sau khi thi”.

Đỗ Nhật Thịnh, thủ khoa đầu ra Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, trao đổi với các học sinh bên lề buổi tư vấn Hành trang tương lai

Phạm Hữu

Một HS Trường THPT Bến Cát đặt vấn đề nếu theo đuổi đam mê mà không quan tâm đến vấn đề kinh tế thì có được không. Đỗ Nhật Thịnh, thủ khoa đầu ra Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, khẳng định ngành mà Thịnh trở thành thủ khoa đầu ra bắt nguồn từ niềm đam mê “siêu to, khổng lồ” của mình, vì lúc đầu bản thân Thịnh dành suốt 3 năm THPT để luyện thi y, do lúc đó mẹ đau ốm nên muốn theo học bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ. Không những thế, lúc đó Thịnh còn nghe đồn học y sẽ có nhiều tiền, gia đình lại đang khó khăn nên Thịnh quyết tâm luyện thi y và hơn nữa Thịnh cũng học tốt ở khối này.
“Thế nhưng, mình có một đam mê từ nhỏ là hội họa nên 2 tháng cuối cùng khi sắp đến kỳ thi, mình tự dành riêng cho bản thân, ngồi và suy nghĩ về những ngày tháng đã trải qua. Mình lớn lên trong gia đình hộ nghèo, tự kiếm tiền nuôi sống bản thân và mua giấy bút để học vẽ bằng các công việc như lên rừng hái rau má về bán kiếm tiền ăn học... Khi nhìn lại như thế, mình quyết tâm theo đam mê. Và mình nhận ra khi theo đam mê thì chúng ta sẽ được là chính mình, khi làm được điều mình yêu thích thì mới có động lực để làm hết mình, từ đó sẽ có được kết quả như ý muốn”, Đỗ Nhật Thịnh, thủ khoa đầu ra, khuyên từ câu chuyện của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.