Để gia nhập cuộc đua của những 'tay chơi' lớn

Quý Hiên
Quý Hiên
21/04/2024 07:15 GMT+7

Trong nền kinh tế số, ngành bán dẫn là 'huyết mạch', có vai trò chủ chốt, quan trọng và là tiêu điểm, thu hút nhiều ngành công nghiệp trên thế giới, là phần cốt lõi trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các cường quốc trong thế kỷ 21.

Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, VN được đánh giá là có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghệ bán dẫn, từ hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nguyên liệu phong phú đến nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ dồi dào và cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển.

Tuy đây là ngành mang lại nhiều lợi nhuận nhưng cũng đòi hỏi đầu tư cao. Vì thế, giới chuyên gia đều thống nhất quan điểm, đây là một cuộc chơi dành cho các "tay chơi" lớn. "Cứ nhìn vào kế hoạch đầu tư nhà máy sản xuất bán dẫn ở VN của các tập đoàn FDI như Amkor Technology VN, Hana Micron VN, Intel VN, Samsung, thì thấy toàn là tiền tỉ USD", PGS Nguyễn Việt Anh, Trưởng ban KH-CN, ĐH Bách khoa Hà Nội, nói.

Một nước đang phát triển như VN liệu có thể tìm được chỗ đứng nào trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành vi mạch bán dẫn là một câu hỏi luôn được đặt ra tại các diễn đàn liên quan trong thời gian gần đây. Là một nước "đi sau", có "cửa" nào cho ngành công nghiệp bán dẫn VN khi mà thế giới đang hiện diện sừng sững những "ông lớn"?

Theo các chuyên gia, tư duy "đi tắt đón đầu" chưa bao giờ được những người làm chuyên môn tán thành, đặc biệt là trong những lĩnh vực mà sản phẩm đòi hỏi cao sự đầu tư về trí tuệ của con người như ngành bán dẫn. Dù rất nóng lòng nhưng đào tạo bài bản, nghiên cứu bài bản, đầu tư bài bản, tạo sức mạnh nội sinh… luôn là những cụm từ được nhắc tới trong các đề xuất về giải pháp thúc đẩy nền công nghiệp bán dẫn ở VN. Trong đó, vai trò Nhà nước luôn được nhấn mạnh không chỉ là tạo ra hành lang pháp lý, hệ sinh thái chính sách mà còn là một nhà đầu tư trọng yếu trong quá trình chuẩn bị nguồn nhân lực cũng như thúc đẩy nghiên cứu khoa học để làm chủ công nghệ lõi, tạo tiền đề cho phát triển nền công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Gửi nhà khoa học đi đào tạo, tạo học bổng thu hút sinh viên giỏi học sau ĐH, đầu tư các phòng thí nghiệm dùng chung cho các trường ĐH, đầu tư kinh phí thường xuyên để duy trì được hoạt động của các phòng thí nghiệm, tài trợ các đề tài nghiên cứu dài hơi với kỳ vọng mang lại cái mới đột phá… Những điều này nếu không có Nhà nước thì không một trường ĐH hay viện nghiên cứu nào làm nổi.

Xin được dẫn lời một nhà khoa học hàng đầu thế giới về bán dẫn vừa đến VN giảng bài trong chuỗi sự kiện của Quỹ VinFuture, GS Lee Young Hee, Viện sĩ Viện Hàn lâm KH-CN Hàn Quốc (KAST): "Thẳng thắn mà nói, để xây dựng và phát triển nền công nghiệp mới này ở VN sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực. Cần có sự đầu tư mạnh mẽ từ phía Chính phủ để cải thiện cơ sở hạ tầng và trang bị thiết bị hiện đại cho các trường ĐH. Đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực của tất cả các bên liên quan".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.