Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo

Thu Hằng
Thu Hằng
18/04/2024 03:45 GMT+7

Mặc dù chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đã mang lại những kết quả, tác động tích cực đối với cả cơ quan hành chính nhà nước và người dân, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương cũng cần tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Từ năm 2017, Bộ Nội vụ - Cơ quan Thường trực cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ triển khai đo lường sự hài lòng của người dân trên phạm vi cả nước, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ, lấy người dân làm trung tâm, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình theo các mục tiêu của Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

Theo kết quả SIPAS 2023 được Bộ Nội vụ công bố ngày 17.4, tỷ lệ người dân hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước ở mức 82,66%, tăng 2,58% so với năm 2022 (80,08%).

Mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 75,03% - 90,61%. Năm tỉnh, thành phố nhận được mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nói chung cao nhất là: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Hà TĩnhHải Phòng; 5 tỉnh, thành phố thấp nhất là: Bắc Kạn, Bình Phước, Cao Bằng, Bắc NinhQuảng Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, nếu như trước đây, chỉ số CCHC tại một số địa phương còn có những khó khăn, song với sự quyết tâm, quyết liệt, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu phân cấp, phân quyền và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thì thời gian gần đây, các chỉ số CCHC có sự thay đổi được cải thiện, thứ hạng tăng lên.

Mặc dù chỉ số hài lòng trung bình của cả nước tăng, song có 3 nội dung mà người dân vẫn mong muốn chính quyền cải thiện nhiều nhất là: nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân; nâng cao chất lượng tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân và nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân

Các bộ, ngành cũng cần tập trung cao cho cải cách thể chế, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách; đơn giản hóa thủ tục hành chính; tập trung phát triển hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin…

Về phía người dân, xã hội, việc quan tâm giám sát, phản hồi ý kiến tích cực hơn đối với các cơ quan hành chính nhà nước cũng chính là để cùng xây dựng một nền hành chính phục vụ, lấy người dân làm trung tâm, mang lại sự hài lòng cho người dân.

Với sự cầu thị, nghiêm túc, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, cùng với sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, chúng ta có thể tin tưởng công tác CCHC những năm tiếp theo sẽ tiếp tục có bước chuyển biến tốt hơn, góp phần củng cố niềm tin và sự hài lòng của người dân, tổ chức và sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.