Để giữ chân giáo viên tiếng Anh

01/09/2022 04:18 GMT+7

Hãy tưởng tượng một giáo sinh ngành sư phạm Anh văn sau khi ra trường phải kinh qua nhiều đợt thi tuyển chứng chỉ chuyên môn lẫn nghiệp vụ sư phạm thì mới được dạy ở một trường tiểu học.

Giáo sinh này được giao đứng lớp 23 tiết/tháng với mức lương 3 triệu đồng. Muốn có thêm thu nhập đảm bảo cuộc sống, nhân vật của chúng ta phải dạy thêm hết suất này đến suất khác, không có giờ nghỉ ngơi.

Trong khi đó, những bạn bè cùng lớp đại học của giáo sinh này chỉ cần có một chân hợp đồng dạy, trợ giảng tiếng Anh ở trung tâm Anh ngữ quy mô trung bình, thu nhập mỗi tháng đã có thể gấp 2 - 3 lần với công việc nhàn nhã hơn. Hoặc lanh lợi, một cử nhân tiếng Anh có thể lên mạng “truyền thông” mở lớp dạy kèm luyện thi chứng chỉ Starters, Movers, Flyers với giá trung bình 300.000 đồng/tiếng/người. Bài toán đơn giản, chỉ cần kèm mỗi tháng cho nhóm học sinh vài ba em là thu nhập có thể cao hơn gấp nhiều lần so với đi dạy ở trường chính thức; thời gian lại chủ động, thoải mái.

Thế nên, điều này phần nào giải thích cho hiện tượng giáo viên tiếng Anh giỏi ở cấp tiểu học tại TP.HCM xin nghỉ dạy, chuyển việc, dù với chủ trương đẩy mạnh dạy tiếng Anh cấp tiểu học, nhu cầu của hệ thống giáo dục ngày càng cao.

Nếu trường học chỉ biết đòi hỏi ngày càng khắt khe mà thiếu cơ chế cải thiện thu nhập xứng đáng đối với giáo viên tiếng Anh nói riêng, giáo viên các bộ môn khác nói chung, thì tình trạng “chảy máu chất xám” trong lĩnh vực sư phạm sẽ diễn ra nghiêm trọng trong thời gian tới.

Ở bộ môn tiếng Anh, sẽ dẫn đến một hệ lụy nhãn tiền: ngành sư phạm không thể thu hút được người giỏi theo học và làm việc. Theo đó, các lớp dạy học tiếng Anh ở trường học từ chỗ chính yếu sẽ trở nên thứ yếu bởi tâm lý phụ huynh sẽ đầu tư cho con mình học thêm các lớp tiếng Anh sau giờ học, học tiếng Anh ở trung tâm mới có thể... đối phó với yêu cầu thi cử, khảo hạch, vào các lớp tiếng Anh tuyển chọn đầy hình thức và thành tích ở nhà trường!

Giáo viên chịu áp lực lớn, thu nhập thấp thì đã rồi, nhưng “đuối” không kém là học sinh buộc phải quá tải với trùng trùng lịch học thêm, thi cử sao cho đảm bảo các chứng chỉ tiếng Anh bên ngoài trong cuộc đua vào những lớp hết “tăng cường” lại đến “tích hợp”. Và mệt mỏi, rối loạn âu lo theo sau đó sẽ là phụ huynh. Cả đến những phụ huynh chống lại việc học thêm vẫn phải thỏa hiệp chở con đến các lớp học thêm để con mình không thua sút bạn bè.

Tất cả sự quẩn quanh đó được khởi nguồn từ tham vọng quy chuẩn trình độ tiếng Anh ở nhà trường nhưng khi triển khai, cơ chế vận hành lại không theo kịp, đảm bảo các điều kiện cần và đủ mang tính thực chất.

Tìm giải pháp tháo gỡ để những giờ học tiếng Anh trong nhà trường trở nên... bớt mệt cho giáo viên, học sinh và sau đó là phụ huynh rất cần thiết. Cần hướng vào các điều kiện cần và đủ để đảm bảo trường học đóng vai trò chính yếu trong giảng dạy ngoại ngữ chứ không chỉ biết đặt ra mục tiêu cao rồi chuyển hóa áp lực qua cho phụ huynh, học sinh và xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.