Để hôi của không còn đất sống

22/07/2019 05:52 GMT+7

Thời gian gần đây, cứ vài tuần đâu đó lại xảy ra tình trạng hôi của người bị nạn. Khi thì hôi bia, lúc hôi vịt, nước ngọt… thậm chí cả tài sản trị giá hàng chục triệu là xe gắn máy.

Có thể ai đó nghĩ đơn giản: tranh thủ kiếm thùng bia, con vịt về nhậu lai rai ấy mà; người ta lấy được, mình lấy cũng chả sao; hay lon nước ngọt mình lấy chỉ là những lon bị méo mó, không ảnh hưởng đến “nồi cơm” nhà ai…
Nhưng ai cũng nghĩ vậy, rồi nhào vào “vơ vét”, lấy vật không phải của mình, chạy ù đi trong sự van xin, khóc lóc của người bị nạn... thì không những “có sao” với người gặp nạn khốn khó, mà còn vi phạm pháp luật, thậm chí bị xử lý hình sự như vụ hôi bia tại Đồng Nai và mới đây là hôi xe máy tại Bạc Liêu.
Mỗi khi có sự việc hôi của xảy ra, lực lượng chức năng đều xuống hiện trường, thuyết phục có, giải thích có và sau đó xử phạt hành chính có, xử lý hình sự có. Báo chí phản ánh, xã hội lên án, cơ quan tố tụng vào cuộc… nhưng những hình ảnh xấu xí sau đó vẫn lặp lại, khiến xã hội bức xúc.
Có biện giải cho rằng, sở dĩ xảy ra tình trạng hôi của là do tính tham vặt, thích “cầm nhầm” của một số người. Họ thường là những người khó khăn, thấy tài sản trước mắt và trong lúc hỗn loạn thì “chặc lưỡi” mình lấy chỉ là một con vịt, một lon bia hay vài lon nước ngọt có đáng là bao…
Thực ra, đó chỉ là một thiểu số rất nhỏ với suy nghĩ lệch lạc, còn hầu hết người Việt luôn có tinh thần tương thân tương trợ lúc khó khăn, hoạn nạn. Thực tế, trong những vụ việc báo chí, cộng đồng mạng phản ảnh xảy ra hôi của, vẫn có rất nhiều người chung tay gom nhặt, bảo quản tài sản cho người bị nạn; thậm chí còn giành giật lại tài sản từ những người hôi của để trả lại khổ chủ…
Những hình ảnh đó cần được lan tỏa nhiều hơn, để cộng đồng, người dân, xã hội thay đổi nhận thức, mạnh tay dẹp bỏ hình ảnh hôi của xấu xí và thay vào đó là hành động “tương thân tương ái”, ứng xử văn minh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.