Để khởi đầu tốt cho năm học mới

04/09/2016 10:06 GMT+7

Năm học mới sắp bắt đầu, điều mà học sinh, sinh viên quan tâm chính là cách để khởi đầu tốt nhất với đầy sự tự tin.

Chia sẻ về điều này, Phạm Văn Minh, sinh viên Học viện Khoa học ứng dụng quốc gia Lyon (INSA de Lyon, Pháp), cho rằng để khởi đầu một năm học mới thật tốt, cần dành một khoảng thời gian trước ngày nhập học để cân bằng lại cuộc sống, giờ sinh học sau một kỳ nghỉ hè dài. Tập ăn ngủ theo thói quen, sắp xếp lại phòng học, chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập cho năm học mới.
Tiếp đến, cần ghi ra chi tiết những mục tiêu cần đạt được trong năm học, càng chi tiết càng tốt, gạch đầu dòng những mục tiêu quan trọng, có thể in hoặc dán thật to trước bàn học. Nên chọn cho mình một tấm gương, một thần tượng để phấn đấu.
“Mỗi học sinh (HS) nên lập một thời gian biểu tuần đầu tiên sao cho đảm bảo việc học ở trường, ở nhà và các sinh hoạt khác như thể thao, giải trí. Đồng thời duy trì việc lập thời gian biểu này vào những tuần tiếp theo”, Minh nói.
Còn theo Huỳnh Quang Tuấn, HS lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Vũng Tàu), thường khi bắt đầu năm học, nhiều người dễ rơi vào trạng thái quên kiến thức cũ, hoặc cảm thấy khó tiếp thu những kiến thức mới. Vì thế, cần xem lại tóm tắt kiến thức đã học, đọc để chắc chắn không quên những gì đã học trong năm trước, điều này giúp bước vào năm học mới với tâm thế tự tin hơn. Ngoài ra, cần xem sơ qua những cuốn sách của năm học mới như đọc phần mở đầu, tiêu đề các chương lớn... để có cái nhìn tổng quan về những kiến thức sẽ học, nhờ đó chủ động trong việc kiểm soát kiến thức.

tin liên quan

Giữ cảm giác thiêng liêng ngày khai giảng
Theo nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, khai giảng chỉ nên duy trì phần lễ và ngắn gọn vừa để kết thúc trước khi học sinh kịp chán vừa bớt đi sự ồn ào dung tục.
Cũng theo Quang Tuấn, HS cần kiểm tra lại bản thân mình, xem đang học không tốt môn nào, để năm học mới dành nhiều thời gian và cố gắng hơn.
Theo kinh nghiệm của nhiều HS, sinh viên giỏi, quãng thời gian đầu của năm học đóng vai trò khá quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến kết quả học tập của cả năm học. Nguyễn Thục Nhi, HS lớp 11 Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM), lý giải: “Nếu có khởi đầu đầy hứng khởi sẽ tạo khí thế cho cả năm học. Ngược lại, nếu thời gian đầu học không tốt, dễ gây nên cảm giác buồn nản và không muốn học”.
“Cần đi học chuyên cần, cố gắng tạo sự tập trung tối đa cho từng môn học. Đừng chủ quan những tiết học đầu tiên không quan trọng, vì đây là tiền đề cho nhiều kiến thức khó hơn về sau. Khi đã hiểu được bài thì sẽ yêu thích môn học đó hơn, và học tốt hơn”, Thục Nhi cho biết.
Ở góc độ tâm lý, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khuyên: “Hãy đến trường vào đầu năm mới bằng tâm trạng thật thoải mái là sẽ có một năm học thật vui và nhiều bất ngờ. Dành cho mình buổi chiều chủ nhật để hâm nóng tinh thần và sẵn sàng cho ngày khai giảng. Hãy cố gắng nhiều hơn chứ không thể tạo cho mình những chuẩn thế này hay thế nọ. Ngoài ra, hãy suy nghĩ nhiều hơn về tương lai, cuộc sống và cả những bất ngờ trong quãng đời đi học, chắc chắn sẽ có những kết quả tích cực về mặt tâm hồn”.
Kinh nghiệm của Trần Phan Linh, HS lớp 11 Trường THPT chuyên Quang Trung (Bình Phước) vào mỗi dịp bắt đầu năm học, đó là: “Cần luôn cố gắng và tự rèn cho bản thân sự tự tin. Vẫn biết là bước vào năm học sẽ gặp nhiều áp lực nhưng nếu vì áp lực mà lo sợ thì khó mà học tốt. Vì thế phải để bản thân thoải mái, tự tin”.
Phan Linh cũng khuyên: “Với những HS vừa chuyển cấp, nên mạnh dạn kết bạn để có thể tìm thấy những người bạn tâm đầu ý hợp. Điều này không chỉ giúp mỗi ngày đến trường vui hơn vì được trò chuyện cùng bạn bè, mà còn cùng nhau chia sẻ những vấn đề trong học tập”.
“Tút tát” lại góc học tập
Theo Nguyễn Thu Tuyền, HS lớp 9 Trường THCS Huỳnh Văn Nghệ (Q.Bình Tân, TP.HCM), tự mình thực hiện những công việc như viết bảng tên, bao bìa vở, sách sẽ tạo hứng thú khi vào năm học mới.
Cũng theo Tuyền, mỗi khi vào bàn học mà nhìn mọi thứ ngổn ngang, bị vứt bỏ lung tung sẽ dễ khiến bản thân lười nhác, không muốn chú tâm vào học. Chính vì thế nên “tút tát” lại góc học tập gọn gàng, bắt mắt. Có thể tự vẽ những bức tranh, hoặc tự sáng tạo ra hộp đựng bút, giá đựng sách... để trang trí phòng học đẹp hơn.
Còn Lương Như Hoài, HS lớp 11 Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM), chia sẻ: “Khi bước vào năm học mới, thử đề xuất với bố mẹ mua cho vài thứ mới như giày đi học, ba lô, một bộ quần áo, vì nếu như các đồ vật ấy mới hơn, tinh tươm hơn sẽ giúp lòng vui hơn và tự tin hơn khi đi học”.
Ý kiến:
“Thử đặt câu hỏi: Học vì cái gì, học để làm gì? Nếu như câu trả lời là học để có kiến thức, để trở thành những người thành công thì nghĩa là đã xác định rõ mục tiêu học tập, giúp bản thân hình thành các động cơ thúc đẩy mình trong quá trình học tập, tự hoàn thiện bản thân. HS hãy xem các nhiệm vụ học tập như các thử thách cần vượt qua giống khi chơi một trò chơi, thì sẽ thấy việc học tập hấp dẫn hơn. Cũng đừng quan tâm vì sao bản thân học dở, hãy quan tâm đến việc vì sao người khác học giỏi. Để từ đó sẽ tìm cách học hỏi phương pháp học tập của những bạn giỏi”.
(Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Hội Tâm lý học xã hội VN)
“Để giúp con, đặc biệt là ở lứa tuổi tiểu học, có thể bắt đầu năm học mới thật tốt cần lưu ý: cùng con lập thời gian biểu học tập hợp lý, đừng ép con học với cường độ cao, đồng thời tạo ra không gian học tập yên tĩnh, thoáng đãng cho con. Khi dạy con học cần tạo không khí thoải mái, ngồi học cùng con để con có thêm động lực”.
(Chuyên gia tâm lý Trương Thị Thúy Hằng)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.