Để không còn lợi ích nhóm trong sách tham khảo

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
31/12/2022 08:22 GMT+7

Năm nào chuyện bán sách tham khảo theo kiểu 'bia kèm lạc' cũng ồn ào trên báo chí, trên mạng xã hội .

Kết luận thanh tra chuyên đề “công tác quản lý nhà nước về GD-ĐT giai đoạn từ 1.1.2014 - 31.12.2018” của Thanh tra Chính phủ cho rằng “việc hướng dẫn sử dụng sách bài tập, sách tham khảo có dấu hiệu lợi ích nhóm giữa Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước và Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục VN trong việc in ấn, phát hành” dù không gây chấn động nhưng khiến nhiều người sốc khi biết rằng có “tầng tầng lớp lớp” những lợi ích nhóm trong những cuốn sách mà con em họ không có nhu cầu mà vẫn phải mua.

Câu hỏi lợi ích nhóm về việc phát hành, sử dụng sách tham khảo, sách bài tập lâu nay vẫn thường trực trong đầu mỗi người dân, mỗi phụ huynh khi hằng năm phải bỏ ra cả một cơ số tiền mua sách cho con. Dù chưa rõ là những nhóm lợi ích nào nhưng phụ huynh vẫn bảo nhau, chắc chắn không phải là lợi ích cho người học. Họ cũng chắc chắn một điều rằng phải có “lợi ích” thì các nhà trường mới nhiệt tình đến thế trong việc “bắt buộc” học sinh phải mua sách tham khảo, sách bài tập dưới cái mác tự nguyện. Dù không đồng tình nhưng hầu hết trong số họ chỉ biết ngậm ngùi chi hết tiền để mua đủ bằng ấy cuốn sách trong danh mục.

Lâu nay, phụ huynh chỉ nghĩ rằng trong những cuốn sách tham khảo mà con họ không cần nhưng phải mua là có “lợi ích nhóm” giữa nhà xuất bản, các công ty phát hành sách với nhà trường và vì thế họ mới “kiện” lên Bộ GD-ĐT để mong xử lý dứt điểm tình trạng này. Tuy nhiên, việc Thanh tra Chính phủ kết luận Bộ GD-ĐT cũng có “dấu hiệu lợi ích nhóm” với nhà xuất bản khi ban hành văn bản hướng dẫn sách tham khảo không chỉ khiến người dân bất bình mà còn khiến niềm tin trong họ về cơ quan chức năng cao nhất về giáo dục bị ảnh hưởng.

Năm nào chuyện bán sách tham khảo theo kiểu “bia kèm lạc” cũng ồn ào trên báo chí, trên mạng xã hội. Bộ GD-ĐT lại yêu cầu xác minh, làm rõ và có văn bản chấn chỉnh. Năm sau, tình trạng lại lặp lại y chang như vậy. Câu hỏi đặt ra là tình trạng này chưa có cách nào chấm dứt hay người trong cuộc chưa muốn... dứt?

Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2021, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) nêu quan điểm: Nếu sách tham khảo có bán trong nhà trường thì chắc các bố mẹ học sinh vẫn sẽ mua cho con mình bằng bạn bằng bè. Theo ông Hiếu, vấn đề đặt ra là sách tham khảo này là nguồn lợi lớn cho các nhà xuất bản và cần hạn chế tối đa loại sách này, chỉ nên dùng cho thầy cô giáo để làm phong phú thêm bài giảng. “Nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Có lẽ, trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT chỉ còn cách “ra lệnh cấm” như vậy mới có thể chứng minh mình thực sự không có “lợi ích” nào trong việc các nhà trường vẫn “miệt mài” giúp nhà xuất bản bán sách tham khảo, sách bài tập cho học sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.