Theo nhận định ban đầu, có thể do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ bị ngưng trệ nên người nuôi cá sấu đã thả bớt ra ngoài tự nhiên bởi càng nuôi càng lỗ. Nhận định trên hoàn toàn có cơ sở bởi chuồng trại của các trại cá sấu vẫn đảm bảo an toàn.
Gần 10 năm trước, “phong trào” nuôi cá sấu lấy thịt, lấy da nở rộ ở nhiều tỉnh thành khu vực phía nam, trong đó có TP.HCM. Thịt cá sấu một thời được quảng bá như món ăn đẳng cấp, sành điệu. Thế nhưng cũng giống những trào lưu “sớm nở, tối tàn” khác như tiêu, điều, mía, khoai lang… nghề nuôi cá sấu đứng trước khó khăn về thị trường tiêu thụ. Nông dân vay mượn tiền bạc làm trang trại theo kiểu tự phát, thấy có lợi nhuận thì đầu tư, trong khi chính quyền thiếu quy hoạch, đầu tư trong việc chế biến, tiêu thụ sản phẩm…
Trồng ồ ạt, nuôi ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu ở một thời điểm nhất định. Khi đó, nhà nhà, người người lại lên mạng kêu gọi “giải cứu”. Giải cứu thường được dùng trong tình huống bất ngờ, cấp bách như giải cứu con tin, nhưng nghịch lý là hằng năm đủ loại nông sản vẫn cần phải “giải cứu”. Muốn giải bài toán này, không gì khác là phải có tầm nhìn trong quy hoạch, có chiến lược cụ thể từ đầu tư nuôi trồng đến sản xuất chế biến, không chỉ ở một địa phương mà có sự liên kết vùng, liên kết ngành trên phạm vi toàn quốc.
Trở lại chuyện nuôi cá sấu, mới đây UBND TP.HCM phê duyệt chương trình quản lý, phát triển cá sấu và động vật hoang dã giai đoạn 2021 - 2025 nhằm tạo điều kiện phát triển nghề nuôi cá sấu và động vật hoang dã hợp pháp, góp phần cải thiện đời sống người dân ngoại thành, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, còn điều băn khoăn là đầu ra như thế nào, liệu có lâm vào cảnh “phá đi làm lại” không, bởi để “giải cứu” cá sấu không dễ dàng như “giải cứu” khoai lang, bưởi, chuối...
Bình luận (0)