PGS Đặng Văn Bào, Hội Đệ tứ - Địa mạo Việt Nam, cho rằng bấy lâu nay chúng ta nói nhiều về dự báo, cảnh báo. Công tác nghiên cứu về thiên tai nói chung được triển khai ở nhiều đề tài, có nhiều kỳ cuộc, từ cấp quốc gia xuống cấp cơ sở đào tạo/nghiên cứu. Hiện đã có nhiều bản đồ cảnh báo, nếu được phổ biến đến người dân là rất tốt. Nhưng quan trọng là tìm giải pháp làm sao để cộng đồng tiếp thu được các kết quả nghiên cứu khoa học.
Mặt khác, chúng ta đã có bản đồ cảnh báo ở các tỷ lệ khác nhau, nhưng để xác định cụ thể khối trượt sẽ xảy ra ở đâu (ở cấp thôn, cấp xã), vào lúc nào thì không phải là chuyện đơn giản. "Cần phải có nghiên cứu kỹ hơn. Tôi xin khẳng định với góc độ những người nghiên cứu về thiên tai theo hướng tiếp cận về tầng địa chất, địa chất công trình, địa mạo… thì việc đưa ra các cảnh báo cụ thể đó là hoàn toàn có thể làm được. Bởi tất cả những hiện tượng thiên nhiên đều để lại dấu vết trên địa hình, trên vật liệu, nghiên cứu về những dấu vết đó là để nhận dạng những nguy cơ có thể xảy ra", PGS Bài nói.
Thảm họa Làng Nủ: Vực dậy sau đau thương và những bài học sống còn
Còn PGS Chu Văn Ngợi, nguyên Trưởng khoa Địa chất, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) lưu ý, với lũ thôn Làng Nủ, các nhà khoa học cần xác định cơ chế trượt và thành phần trượt, như trượt kiểu gì, thành phần thạch học của khối trượt là gì?
PGS Ngợi nói: "Xác định cơ chế trượt là quan trọng, để làm căn cứ tham chiếu cho các vùng khác có tính chất tương tự. Trượt hỗn hợp, trượt phẳng, hay trượt xoay ? Chúng tôi nghiên cứu Tây Bắc thì thấy các đới xiết trượt trong kiến tạo trẻ cực kỳ nhiều. Nó nghiền các loại đá tươi thành bột và vụn lẫn với đất đá và trượt. Như ở H.Xín Mần, Hà Giang chẳng hạn, nó là trượt hỗn hợp, cả đá cả đất không chạy mà trôi xuống. Còn Mường Lay thì cơ chế trượt hoàn toàn khác. Với trận lũ lịch sử ở TX.Mường Lay năm 1996, lũ bắt đầu từ việc thung lũng Nậm Xe bị biến thành một cái đập chứa nước. Ban đầu là mưa lớn ngập cả thung lũng Nậm Xe, cửa thoát hẹp tạo thành cái đập tự nhiên. Nước dâng lên, vỡ đập, tạo sóng lũ suốt từ cửa Nậm Xe đến TX.Mường Lay, khoảng 12 km. Sóng lũ dồn dập, thổi bay cả TX.Mường Lay. Dòng chảy rất lớn, cực kỳ nhanh. Còn lũ Làng Nủ thì vật liệu tạo lũ là bùn đá. Do đó hai cơ chế rất khác nhau. Chúng ta phải xác định được đặc điểm địa hình, nguồn vật liệu, cơ chế trượt… thì mới tham chiếu được để làm cảnh báo với các vùng khác".
GS Đỗ Minh Đức cho biết những nghiên cứu ban đầu của PGS Nguyễn Châu Lân và TS Đỗ Tuấn Nghĩa là nhân chuyến đi thực địa giúp UBND tỉnh Lào Cai chọn vị trí làm nơi tái định cư cho dân Làng Nủ. Nơi các nhà khoa học tư vấn là đồi Sim, khu vực đó cao hơn hẳn, trên nền đất đá phong hóa, nằm trên sườn đồi - nơi có độ cao đáng kể, không chịu ảnh hưởng của sông/suối trong khu vực. Với địa hình đó, các nhà khoa học đã điều tra khảo sát và đánh giá khu vực đảm bảo an toàn để xây dựng khu tái định cư cho người dân thôn Làng Nủ.
Trong thời gian tới, khi điều kiện thời tiết ổn định thì các nhà khoa học sẽ lên Làng Nủ để tiến hành lấy mẫu. Dữ liệu về mưa trong khu vực hiện đã có rồi. Các nhà khoa học sẽ phân tích tính toán từ đầu tháng 8 chứ không chỉ trong 3 ngày ảnh hưởng bão số 3, bởi trước đó gần một tháng khu vực này diễn ra mưa lớn, có thời điểm lượng mưa trong ngày trên 180 mm.
"Có thể sự mất ổn định vỏ phong hóa đã diễn ra từ trước chứ không nhất thiết đợi đến ngày 9.9. Với lượng mưa trên 300 mm để gây áp lực rỗng dư tạo ra khối trượt lớn khổng lồ như phân tích của PGS Nguyễn Châu Lân (1,6 triệu m3 - PV) thì cũng phải xem lại. Lượng mưa phải lớn hơn rất nhiều mới tạo ra khối trượt quy mô lớn như vậy. Khả năng ở đây liên quan tới thời gian mưa dài hơn", GS Đức nói.
Bình luận (0)