5 bài học lớn sau bão số 3

Mai Hà
Mai Hà
29/09/2024 07:05 GMT+7

Sáng 28.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, ngành, địa phương đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi).

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, bão số 3 gây thiệt hại kinh tế cũng như về người rất lớn (344 người chết và mất tích), trong đó số người chết do sạt lở đất, lũ quét (264 người chết và mất tích) chiếm tỷ lệ cao.

Cảnh báo mưa lớn, lũ lịch sử chưa kịp thời

Ông Lê Minh Hoan cũng chỉ ra loạt nguyên nhân, khó khăn trong ứng phó bão số 3 khiến thiệt hại còn nặng nề: do cảnh báo nguy cơ thiệt hại do bão, mưa lũ còn chưa cụ thể, người dân chưa hình dung thiệt hại rất lớn khi bão đổ bộ cũng như tác động sau khi bão vào, dẫn đến tư tưởng chủ quan trong ứng phó. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, nhất là nhà dân, còn thấp trước sức tàn phá của bão lũ. Giao thông thường xuyên sạt lở, ngập sâu, chia cắt.

5 bài học lớn sau bão số 3- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 5 bài học kinh nghiệm lớn sau bão số 3 (Yagi)

ẢNH: NHẬT BẮC

Đặc biệt, việc cảnh báo mưa lớn, lũ vượt lịch sử; dự báo mưa lũ phục vụ vận hành liên hồ chứa trên sông Hồng (nhất là hồ Thác Bà) "chưa kịp thời, tin cậy, chưa bám sát thực tế". Các cơ quan cũng chưa xây dựng bản đồ nguy cơ sạt lở đất, lũ quét tới từng thôn, bản để người dân biết, phục vụ di dời, sắp xếp dân cư.

Đánh giá đây là trận lũ lớn nhất kể từ năm 1971 trên toàn bộ đồng bằng sông Hồng - Thái Bình, theo ông Hoan, đây là bài học cảnh tỉnh cho các địa phương trong khai thác, sử dụng bãi sông. Tình trạng khai thác cát trái phép còn phức tạp, nhất là sông Lô, uy hiếp đến an toàn đê điều, đã gây sạt trượt thân đê hữu sông Lô xã Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.

Còn theo Bộ trưởng TN-MT Đỗ Đức Duy, bài học hạn chế sau bão số 3 là các cơ quan chưa dự báo được gió giật mạnh cấp 17 trên đất liền, bởi chưa từng xảy ra trong lịch sử. Công nghệ hiện chưa dự báo được mưa cường suất lớn trên 200 mm/6 giờ. Công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến từng thôn, bản hiện còn khó khăn về mặt khoa học, kể cả với nước tiên tiến.

Lũ lịch sử 53 năm qua ở sông Hồng do đâu?

Có những mất mát không bao giờ bù đắp được

Đánh giá về cơn bão số 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Việc khắc phục tốn kém, kéo dài nhiều năm và có những mất mát không bao giờ bù đắp được, đó là thiệt hại về người thiệt mạng và mất tích; sang chấn tinh thần của một bộ phận nhân dân còn kéo dài và hậu quả khó lường".

Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xuất cấp trên 400 tấn gạo, 350 tỉ đồng và nhiều trang thiết bị cứu hộ cứu nạn, y tế, nhu yếu phẩm khác kịp thời hỗ trợ các địa phương cứu trợ người dân. MTTQ VN, Hội Chữ thập đỏ VN đã vận động, tiếp nhận ủng hộ tiền và hiện vật trị giá trên 1.760 tỉ đồng. Các tổ chức quốc tế và các nước cứu trợ tiền và hàng trị giá trên 22 triệu USD.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh 5 bài học quan trọng: dự báo, cảnh báo phải kịp thời, chính xác, từ sớm từ xa; lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát tình hình, quyết liệt, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm; đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân và nhà nước lên trên hết; chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp; coi trọng công tác thông tin truyền thông, phổ biến kỹ năng ứng phó, phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ.

Thủ tướng lấy ví dụ, để bảo đảm an toàn đập Thác Bà, các cơ quan đã đưa ra những quyết định quan trọng để vừa phải phân lũ ở thượng nguồn, vừa chuẩn bị phương án phá đập phụ tại trung nguồn, vừa phải sơ tán người dân ở hạ nguồn. Tương tự, để bảo đảm an toàn đê Hoàng Long (Ninh Bình) thì phải dừng hoạt động thủy điện Hòa Bình, tăng hoạt động các thủy điện Sơn La, Lai Châu.

Thời gian tới, mục tiêu vẫn là không để người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc, bị đói, bị rét, không có chỗ ở; các cháu học sinh sớm tới trường, bệnh nhân được chữa bệnh. Phát huy tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai"; những nơi không bị ảnh hưởng như miền Trung, Tây nguyên, miền Nam làm bù lại cho những nơi tại miền Bắc bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão lũ, phấn đấu tăng trưởng cao hơn, đạt kết quả phát triển KT-XH cao hơn...

Với các gia đình bị mất nhà cửa, phải xây dựng lại, các địa phương, bộ, ngành liên quan phải hoàn thành chậm nhất vào ngày 31.12 với "vách cứng, nền cứng, mái cứng". Thủ tướng biểu dương các cơ quan, đơn vị và địa phương đã triển khai rất nhanh việc xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân Làng Nủ (H.Bảo Yên) và bản Nậm Tông (H.Bắc Hà, Lào Cai)...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.