Để lộ sao kê, mua bán thông tin tài khoản, phạt 40 triệu đồng đến xử lý hình sự

28/05/2021 10:05 GMT+7

Chuyên gia pháp lý cho rằng, hành vi để lộ sao kê tài khoản ngân hàng của khách hàng có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Liên quan vấn đề này, tối 27.5, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) cho biết đã tìm ra nhân viên để lộ sao kê tài khoản nghệ sĩ Hoài Linh đăng trên mạng xã hội. Chuyên gia pháp lý cho rằng, hành vi để lộ sao kê tài khoản Ngân hàng của khách hàng có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bị phạt hành chính đến 40 triệu đồng

Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, luật sư (LS) Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho biết, việc tiết lộ thông tin tài khoản khách hàng nếu không được khách hàng đồng ý hoặc không thuộc các trường hợp pháp luật cho phép là hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại Điều 14 luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
Căn cứ theo bộ luật Dân sự 2015 (BLDS), hành vi phát tán thông tin giao dịch ngân hàng nếu gây thiệt hại phải bồi thường. Theo khoản 2, Điều 387 BLDS 2015, trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo khoản 3, Điều 387 BLDS 2015.
Đồng tình với quan điểm trên, LS Lê Trung Phát (đoàn LS TP.HCM) cho biết thêm, theo quy định về “bảo mật thông tin” tại Điều 14 của luật Các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi 2017, các tổ chức tín dụng phải đảm bảo bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng.
Do đó, hành vi để lộ sao kê tài khoản ngân hàng của khách hàng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 30 - 40 triệu đồng theo quy định tại khoản 4 Điều 47 Nghị định 88/2019/NĐ-CP. Riêng nếu tổ chức tín dụng vi phạm, thì mức phạt là gấp hai lần mức phạt này.
"Đồng thời, nhân viên có hành vi để lộ thông tin khách hàng có thể bị ngân hàng áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật lao động theo quy định của bộ luật Lao động năm 2019, nhẹ thì nhắc nhở, nặng thì có thể bị buộc thôi việc", LS Phát phân tích.

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Trao đổi với Thanh Niên, LS Trương Văn Tuấn cho biết, người có hành vi thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tôi "thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng" quy định tại Điều 291 bộ luật Hình sự 2015.
Mức phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù nếu thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên, LS Tuấn phân tích.

“Tính minh bạch là yếu tố quan trọng...”

Đó là nhận định của LS Lê Trung Phát khi đề cập đến cách làm thế nào để nghệ sĩ vừa làm thiện nguyện giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, vừa bảo vệ bản thân không vướng vào thị phi hoặc vi phạm pháp luật.
LS Phát phân tích: “Trong hoạt động kêu gọi từ thiện, nghệ sĩ phải xác định khả năng thực hiện các chuyến đi sau khi nhận sự ủng hộ, để từ đó công khai kế hoạch này cho những người ủng hộ biết. Tránh việc lúc đứng ra kêu gọi thì nói rằng mình sẽ đi tận nơi, nhưng sau đó lại không đi hoặc chuyển lại số tiền đó cho đơn vị khác thực hiện”.
Đồng thời, “nghệ sĩ phải lưu trữ, công khai chi tiết kế hoạch đã thực hiện cho người ủng hộ biết việc đã thực hiện. Chủ động thông báo mọi việc có liên quan cho những người ủng hộ biết để họ chia sẻ, tránh tình trạng thụ động trong việc cập nhật thông tin đến những người ủng hộ”.
Về vấn đề này, LS Trương Văn Tuấn cho rằng, hiện chưa có văn bản pháp luật nào điều chỉnh vấn đề cá nhân vận động đóng góp, tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ. Đây là quan hệ dân sự ủy quyền và nhận ủy quyền, trên cơ sở niềm tin, sự gửi gắm. Việc các nghệ sĩ đứng ra kêu gọi tiền cứu trợ với tư cách là cá nhân không phải là đối tượng điều chỉnh theo Nghị định 64/2008/NĐ-CP.
Do đó, “không đủ cơ sở để khẳng định các nghệ sĩ vi phạm thời gian 20 ngày theo Điều 7 của Nghị định 64/2008. Trừ khi người nhận chiếm đoạt số tiền quyên góp bỏ trốn hoặc sử dụng số tiền đã vận động nhưng không thực hiện công việc đã được gửi gắm thì có thể bị khởi tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với tình tiết lợi dụng thiên tai, dịch bệnh theo Điều 174 bộ luật Hình sự năm 2015", LS Tuấn phân tích.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.