Đề nghị chất vấn 29 nhóm vấn đề liên quan Thủ tướng, 14 bộ trưởng

Lê Hiệp
Lê Hiệp
20/05/2022 17:46 GMT+7

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết đã có 18 đoàn đại biểu Quốc hội gửi đề nghị chất vấn với 29 nhóm vấn đề liên quan Thủ tướng, TAND tối cao, 14 bộ trưởng, trưởng ngành.

Chiều 20.5, Tổng thư ký Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trả lời báo chí tại họp báo

ngọc thắng

Trả lời câu hỏi về dự kiến chất vấn các thành viên Chính phủ tại kỳ họp lần này, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại kỳ họp thứ 3, dự kiến sẽ bố trí 2 ngày rưỡi để tiến hành chất vấn Thủ tướng và các thành viên Chính phủ.

"Dự kiến kỳ họp sẽ có nội dung chất vấn Thủ tướng nhưng theo thông lệ, tại kỳ họp Quốc hội giữa năm thì một Phó thủ tướng sẽ trả lời. Thủ tướng thường trực tiếp trả lời chất vấn tại kỳ họp cuối năm", ông Cường nói.

Về các nội dung dự kiến chất vấn tại kỳ họp lần này, Văn phòng Quốc hội đang nhận và tổng hợp các đề nghị chất vấn từ các đoàn đại biểu Quốc hội. Tới ngày 23.5 - thời điểm khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 3 mới hết hạn gửi các đề nghị chất vấn.

"Cho tới nay, đã nhận được 18 báo cáo của đoàn đại biểu Quốc hội, có 29 nhóm vấn đề liên quan tới Thủ tướng, TAND tối cao, 14 bộ trưởng, trưởng ngành", ông Cường thông tin.

Theo ông Cường, sau khi nhận đủ các kiến nghị chất vấn của các đoàn đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội sẽ xem xét báo cáo kinh tế - xã hội, báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về các vấn đề liên quan và tổng hợp thành các nhóm vấn đề để xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

"Tiếp đó, chúng tôi tổng hợp một lần nữa rồi mới xin ý kiến các cơ quan Quốc hội, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới quyết định vấn đề chất vấn", ông Cường nói.

Theo báo cáo của Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc ngày 23.5 bế mạc ngày 16.6. Quốc hội sẽ làm việc trong 19 ngày, trong đó dành 8 ngày cho công tác lập pháp và hơn 10 ngày dành để cho ý kiến các báo cáo, chất vấn...

Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ thông qua 5 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật.

8 dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: luật Cảnh sát cơ động; luật Điện ảnh (sửa đổi); luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Sở hữu trí tuệ; Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Các dự án luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến gồm: luật Dầu khí (sửa đổi); luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); luật Thanh tra (sửa đổi); luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tần số vô tuyến điện; luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.