Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hiện tượng cò, thổi giá tạo sốt đất ảo

Lê Hiệp
Lê Hiệp
11/05/2022 10:52 GMT+7

Cho biết đất nền ven đô tăng nóng tới 5 lần trong năm 2021, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hiện tượng cò đất, thổi giá đất tạo nên những cơn sốt ảo, làm bất ổn thị trường đất đai.

Giá đất tăng 2 - 3 lần, thậm chí 5 lần

Sáng 11.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 11 cho ý kiến về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

gia hân

Trình bày thẩm tra báo cáo của Chính phủ tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý tình trạng đất nền vùng ven tại một số nơi như Hà Nội, TP.HCM và đô thị loại 1, loại 2, tăng nóng trong năm 2021, lên cao gấp 2 - 3 lần, thậm chí tới 5 lần trong vòng một năm.

“Nhiều ý kiến cho rằng chủ yếu là do hoạt động đầu cơ”, ông Thanh cho biết.

Lĩnh vực đất đai cũng là vấn đề mà cơ quan thẩm tra của Quốc hội lưu ý Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ. Ông Thanh cho hay, hiện việc sử dụng đất tại một số nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; số vụ khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi; hiện tượng cò đất, thổi giá đất tạo nên những cơn sốt ảo, làm bất ổn thị trường đất đai; việc giao đất không qua đấu giá làm thất thoát cho ngân sách nhà nước; hiệu quả sử dụng đất của các dự án dở dang có nhiều hạn chế, các lô đất đã trúng thầu hoặc trúng đấu giá nhưng lại sang nhượng qua tay để thu lợi, đầu tư dở dang hoặc bỏ đất trống, gây lãng phí, không phát huy được nguồn lực quan trọng này.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cũng đề nghị sớm rà soát toàn diện các vấn đề nêu trên để có biện pháp xử lý thích hợp, trường hợp cần thiết phải thu hồi nhằm tăng cường kỷ cương, trách nhiệm của các chủ thể quản lý, khai thác, sử dụng đất và phát huy hiệu quả nguồn lực này.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo về kết quả trong việc hoàn thiện, vận hành hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai ở các đô thị. Trong đó, làm rõ hơn tình trạng được báo chí phản ánh trong thời gian gần đây về việc người dân phải chen lấn để xếp hàng làm thủ tục về đất đai.

Đánh giá rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Thanh cho hay, thị trường này tăng trưởng nhanh nhưng nhiều rủi ro.

Cụ thể, báo cáo thẩm tra cho biết, năm 2021, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 720.000 tỉ đồng, tăng 52,5% so với năm 2020.

Ngoài ra, theo ông Thanh, cơ cấu thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn tồn tại sự mất cân đối.

Cụ thể, khoảng 70% giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thuộc về các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bất động sản và các công ty chứng khoán.

Trong khi đó, hầu hết các trái phiếu doanh nghiệp, nhất là của ngành bất động sản phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết, sức khỏe của doanh nghiệp còn yếu trong khi nhiều trái phiếu không có tài sản bảo đảm dẫn đến rủi ro lớn trên thị trường vốn hiện nay.

“Đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể những rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, trong đó cần làm rõ rủi ro các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn và có các giải pháp phù hợp để giải quyết”, ông Thanh nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.