Hôm qua 17.9, lãnh đạo TP.HCM tổ chức hội nghị tiếp thu ý kiến chuyên gia về kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trong bối cảnh công tác phòng chống dịch đạt được một số kết quả khả quan và chuẩn bị mở cửa từ ngày 1.10.
Nên tập trung xét nghiệm nhóm có nguy cơ cao
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng (Trường Đại học Y Dược TP.HCM), nhìn nhận đây là thời điểm TP.HCM cần chuyển tư duy chống dịch Covid-19 từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chậm thắng chắc”. Cũng như nhiều quốc gia khác, VN nói chung và TP.HCM phải xác định tâm thế sống chung với dịch Covid-19 bởi không thể tách F0 trong thời gian ngắn. Cần phải xác định đây là cuộc chiến lâu dài và không quá phí sức cho một trận đánh mà không đảm bảo chắc chắn sau này không còn F0 trong cộng đồng.
Ông Dũng cho rằng các tiêu chí kiểm soát dịch của Bộ Y tế ban hành trên bình diện chung là đúng, nhưng với TP.HCM khi đạt được một số tiêu chí quan trọng như tỷ lệ tiêm chủng vắc xin cao thì có thể tính toán việc mở cửa. Việc khôi phục kinh tế cần thực hiện từng bước thận trọng, bởi nếu không mở cửa thì ngân sách sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn nữa. Khi kinh tế TP phục hồi sẽ đảm bảo nguồn lực giúp đỡ các địa phương khác khi dịch bệnh lây lan.
Trong khi đó, PGS Vũ Minh Phúc, cố vấn Bộ môn Nhi (Đại học Y Dược TP.HCM), đánh giá khi mở cửa thì chắc chắn số ca nhiễm sẽ tăng lên nên cần có biện pháp ứng phó. Hiện khả năng truy vết, xét nghiệm có thể đáp ứng yêu cầu nhưng năng lực điều trị cần đánh giá lại. Qua khảo sát, số lượng bệnh viện dã chiến tuy nhiều nhưng số giường có hệ thống ô xy và máy thở lại thấp. TP.HCM cần tính đến phương án chuẩn bị lực lượng tinh nhuệ ở bệnh viện dã chiến hoặc tăng cường trung tâm hồi sức tích cực (ICU) trong các bệnh viện đa khoa lên gấp đôi.
Các F0 mới phát hiện nên điều trị tại nhà thay vì đưa đi cách ly tập trung bởi những người trong gia đình nếu có tiếp xúc với họ thì cũng không quá lo lắng vì đã được tiêm vắc xin, việc tiếp xúc sẽ giúp cơ thể sinh thêm miễn dịch. “Nếu nhốt hết F0 thì sẽ không tạo được miễn dịch cộng đồng”, bà Phúc nói.
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia đề nghị dừng xét nghiệm trên diện rộng vì tốn kém nhân lực, chi phí mà hiệu quả lại không cao. PGS Đỗ Văn Dũng đề xuất thay vì xét nghiệm diện rộng để bóc tách toàn bộ F0 thì tập trung xét nghiệm nhóm có nguy cơ cao như: người giao hàng, nhân viên sân bay, nhân viên y tế, người cao tuổi...
Chuẩn bị 14 chiến lược
Ở góc độ kinh tế, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, đánh giá việc mở cửa là cấp thiết và “không thể không mở”. Vị chuyên gia này tính toán tăng trưởng GRDP năm 2021 của TP.HCM ước khoảng - 2,8%, nếu so sánh với GRDP tiềm năng hằng năm từ 7 - 8% thì năm nay TP sẽ mất khoảng 6 tỉ USD, tương đương 2% GDP cả nước. Chưa kể, sau hơn 3 tháng rưỡi giãn cách, người dân và doanh nghiệp (DN) đều kiệt quệ, nếu không cứu kịp thì “DN sẽ chết và các năm tới sẽ không thể hồi phục ngay”.
Trả lời câu hỏi mở cửa sao cho an toàn, TS Tự Anh cho hay, cả chính quyền, DN, người dân phải thích nghi với hoàn cảnh mới đi kèm biện pháp quản lý rủi ro, bảo vệ sức khỏe nhóm nguy cơ cao là người già và trẻ em.
Cảm ơn những ý kiến, gợi mở tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, sức chịu đựng của xã hội có giới hạn, nền kinh tế bị tổn thương cần phục hồi. Việc nới lỏng mức độ giãn cách là cần thiết để từng bước mở cửa, đảm bảo an toàn đi kèm với quản lý rủi ro, tuyệt đối không chủ quan. Ông Nên thông tin TP.HCM đang chuẩn bị 14 chiến lược để chuẩn bị cho trạng thái “bình thường mới” mà trọng tâm là chiến lược y tế.
Bình luận (0)