Đề nghị giảm án cho cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung

12/07/2022 16:46 GMT+7

Đại diện Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị tòa cấp phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo, giảm nhẹ án sơ thẩm cho cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung và 2 đồng phạm.

Chiều 12.7, TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phiên phúc thẩm, xét đơn kháng cáo của cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Phạm Thị Kim Tuyến, cựu Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH-ĐT, và Phạm Thị Thu Hường, cựu Chánh văn phòng Sở KH-ĐT, trong vụ án “vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Sở KH-ĐT Hà Nội năm 2016.

Ông Nguyễn Đức Chung nộp gần 100 bằng khen, bệnh án trước phiên phúc thẩm

Sau hơn 1 ngày xét xử, đại diện Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội đã đề nghị tòa phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của 3 bị cáo, sau khi các bị cáo đã cung cấp được một số tài liệu làm căn cứ cho việc kháng cáo, giảm nhẹ.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung tại phiên tòa

trần cường

Theo đại diện VKS, quá trình điều tra và tại phiên toà, bị cáo Chung chỉ thừa nhận có mối quan hệ bình thường với Bùi Quang Huy, cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Nhật Cường), và phủ nhận việc mở đường cho doanh nghiệp này trúng thầu.

Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu thu thập được, VKS xác định Nhật Cường có mối quan hệ mật thiết UBND TP.Hà Nội. Từ lời đề nghị của Bùi Quang Huy, bị cáo Chung đã ba lần gọi điện cho ông Nguyễn Văn Tứ, cựu Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội để yêu cầu dừng thầu. Việc này đã tạo điều kiện cho Nhật Cường trúng hai gói thầu số hoá ở Hà Nội. Bởi vậy tòa sơ thẩm quy kết bị cáo Chung lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là không oan và mức án 3 năm là phù hợp.

Trong giai đoạn phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Đức Chung đã nộp 85 tài liệu là bằng khen, giấy khen kỷ niệm chương, huân chương trong thời gian công tác trong ngành công an và UBND TP.Hà Nội; các bằng khen, giấy khen của bố, mẹ đẻ trong các hoạt động chữ thập đỏ, bảo trợ người khuyết tật, trẻ em mồ côi, nạn nhân chất độc màu da cam; đơn của nhiều cá nhân, tổ chức xin giảm nhẹ hình phạt cho mình... và nộp ba bộ hồ sơ bệnh án thể hiện đang bị bệnh ung thư trực tràng di căn phổi.

Ngoài ra, quá trình xét xử, ông Chung đã thừa nhận toàn bộ hành vi như cáo buộc, nhưng bị cáo Chung cho rằng việc làm này chưa đáng bị xét xử.

Kiểm sát viên đánh giá ông Chung đã thành khẩn khai báo và cung cấp những tình tiết giảm nhẹ mới nên đề nghị tòa phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo để giảm nhẹ hình phạt sơ thẩm.

Bị cáo Phạm Thị Kim Tuyến

trần cường

Đối với bị cáo Phạm Thị Thu Hường và Phạm Thị Kim Tuyến, VKS nhận thấy 2 người này đã thực hiện chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Tứ, cựu Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội, để lập hồ sơ khống và can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu. Hành vi của 2 nữ bị cáo cùng các đồng phạm khiến kết quả đấu thầu bị sai lệch, dẫn đến việc gây thiệt hại hơn 26 tỉ đồng cho Nhà nước.

Đại diện VKS cho hay cấp sơ thẩm đã đánh giá, xem xét, đánh giá toàn diện vị trí, vai trò của từng bị cáo là tương xứng với hành vi phạm tội. Đến nay, các bị cáo đã tích cực tác động đến gia đình để khắc phục hậu quả vụ án. Cụ thể, bị cáo Tuyến đã nộp 2 tỉ đồng, bị cáo Hường đã nộp 1,5 tỉ đồng, điều này thể hiện sự ăn năn, hối cải của các bị cáo. Ngoài ra, tại tòa, 2 bị cáo đều thành khẩn khai báo.

“Đây là những tình tiết mới làm cơ sở chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 2 bị cáo”, đại diện VKS nhận định.

Bị cáo Phạm Thị Thu Hường

trần cường

Tuy nhiên, kiểm sát viên cho rằng hành vi sai phạm về đấu thầu của các bị cáo gây thiệt hại hơn 26 tỉ đồng, cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng mức độ sai phạm để từ đó yêu cầu các bị cáo bồi thường dân sự phù hợp. Do đó, VKS nhận thấy không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của bà Hường và bà Tuyến về dân sự.

Đại diện VKS đề nghị tòa phúc thẩm đề nghị giảm án đối với cả 3 bị cáo nhưng không nêu cụ thể đề nghị giảm bao nhiêu.

Theo bản án sơ thẩm, năm 2016, bị cáo Nguyễn Văn Tứ là người có thẩm quyền quyết định đầu tư, mua sắm gói thầu số hóa dữ liệu doanh nghiệp. Tuy nhiên, với tư cách Chủ tịch UBND thành phố, bị cáo Nguyễn Đức Chung đã nhiều lần gọi điện chỉ đạo quyết liệt bị cáo Tứ dừng mở thầu. Việc làm này trái quy định của pháp luật.

Ngoài ra, bị cáo Chung còn yêu cầu Sở KH-ĐT chọn công nghệ mới của Nga và từ đó tạo điều kiện cho Công ty Nhật Cường trúng thầu, thí điểm số hóa.

Án sơ thẩm quy kết bị cáo Nguyễn Đức Chung vì vụ lợi cá nhân, đã lợi dụng chức vụ Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, chỉ đạo Sở KH-ĐT cùng nhóm bị cáo Tứ “ưu ái” trái quy định cho doanh nghiệp được thí điểm số hóa dữ liệu doanh nghiệp của Hà Nội. Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Chung 3 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Các bị cáo Nguyễn Văn Tứ và Nguyễn Tiến Học, cựu Phó giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội, cùng lĩnh án 30 tháng tù; Phạm Thị Kim Tuyến lãnh án 4 năm 6, Phạm Thị Thu Hường lãnh án 42 tháng tù; Võ Việt Hùng, cựu Giám đốc Công ty Đông Kinh nhận 4 năm tù; Lê Duy Tuấn, cựu Giám đốc kinh doanh Công ty Đông Kinh, lãnh án 42 tháng tù cùng về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Về trách nhiệm dân sự, tòa sơ thẩm buộc bị cáo Nguyễn Văn Tứ phải bồi thường 2,3 tỉ đồng, bị cáo Nguyễn Tiến Học 2,3 tỉ đồng, Phạm Thị Kim Tuyến 3,5 tỉ đồng, Phạm Thị Thu Hường hơn 3 tỉ đồng, Võ Việt Hùng 4,6 tỉ đồng, Lê Duy Tuấn 4 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.