Đề nghị giữ lại phương pháp thặng dư

Đình Sơn
Đình Sơn
14/07/2023 14:24 GMT+7

Ngày 14.7, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi đến các hội viên đề nghị đặc biệt quan tâm góp ý các phương pháp định giá đất của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 44.

Bởi lẽ, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 44 và cả dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) bản trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 - 6.2023 đều không quy định phương pháp thặng dư mà chỉ còn quy định 3 phương pháp định giá đất. Cụ thể, gồm phương pháp so sánh, phương pháp thu nhập (trong đó có tích hợp "phương pháp chiết trừ") và phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất, áp dụng đối với các thửa đất, khu đất có giá trị dưới 200 tỉ đồng theo bảng giá đất.

Tại hội thảo lấy ý kiến đối với Nghị định và Thông tư sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến định giá đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND TP.HCM chủ trì ngày 11.7 có sự tham dự của lãnh đạo 20 tỉnh, thành phố phía nam, tỉnh Nghệ An, tỉnh Ninh Thuận. Tại đây, đa số các địa phương đều hoan nghênh và tán thành việc áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà thửa đất, khu đất có giá trị dưới 200 tỉ đồng theo bảng giá đất vì phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương do hầu như không có dự án quy mô lớn. Riêng tỉnh Tiền Giang cho biết, trước mắt sẽ vẫn áp dụng phương pháp so sánh do bảng giá đất của địa phương đang thấp.

Theo HoREA, việc áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà thửa đất, khu đất có giá trị dưới 200 tỉ đồng theo bảng giá đất không phù hợp với các đô thị lớn là nơi có nhiều dự án bất động sản quy mô lớn, tiền sử dụng đất có thể lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Nhất là đối với 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM. 

Chính vì vậy, HoREA đề nghị không giới hạn mức trần giá đất 200 tỉ đồng, mà đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chính phủ chấp thuận đề xuất của UBND TP.HCM tại văn bản 477 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chính phủ đề nghị áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tất cả thửa đất, khu đất. Để "công thức hóa" việc tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhằm bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ làm, tiên lượng được nghĩa vụ tài chính với Nhà nước trong việc nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, mà Nhà nước vẫn "nắm đằng chuôi" do Nhà nước có quyền quyết định và điều chỉnh kịp thời bảng giá đất  hệ số điều chỉnh giá đất để không làm thất thu ngân sách nhà nước, thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai.

Đề nghị giữ lại phương pháp thặng dư  - Ảnh 1.

Dự án Sóng Việt (TP.HCM) đang gặp vướng mắc trong định giá đất để tính tiền sử dụng đất

ĐÌNH SƠN

Đồng thời, HoREA đề nghị giữ lại phương pháp thặng dư trong dự thảo Nghị định và dự thảo luật Đất đai (sửa đổi). Bởi đây là phương pháp định giá khoa học được áp dụng để định giá đất đối với các khu đất có tiềm năng phát triển.

Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định lựa chọn phương pháp định giá đất để áp dụng cho từng loại dự án hoặc từng dự án theo từng khu vực của địa phương (như TP.HCM phân chia 5 khu vực) để tránh rủi ro pháp lý cho công chức, viên chức nhà nước trong thi hành công vụ.

HoREA hoan nghênh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có Công điện 634 về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác định giá đất khi chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31.7 phải trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44 quy định về giá đất. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện số 469 theo hướng đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, dứt khoát không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và quy định của pháp luật.

HoREA cho rằng Nghị định 44 khi được ban hành sẽ áp dụng cho đến thời điểm dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành và có hiệu lực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.