Đề nghị không lập Tòa sơ thẩm khu vực

27/10/2014 10:53 GMT+7

(TNO) Thực tiễn cho thấy việc tiếp tục giữ mô hình tổ chức tòa án ở cấp huyện như hiện nay bảo đảm sự ổn định, thuận lợi cho người dân khi có công việc cần giải quyết tại tòa án, trong khi lập tòa sơ thẩm khu vực làm phát sinh nhu cầu lớn về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất.

>> Kiến nghị Bộ Chính trị sớm kết luận lập Tòa sơ thẩm khu vực
>> Tòa sơ thẩm sai phạm đến mức khó tin

Đó là quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) về phương án thành lập TAND sơ thẩm khu vực, được nêu trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật Tổ chức TAND (sửa đổi) mà Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình tại Quốc hội sáng nay, 27.10.

Theo ông Hiện, việc tổ chức TAND sơ thẩm trong hệ thống TAND đang có hai nhóm ý kiến khác nhau.

Nhóm ý kiến thứ nhất đề nghị giữ nguyên tổ chức TAND cấp huyện như hiện nay, trong khi nhóm thứ hai tán thành với phương án thành lập TAND sơ thẩm khu vực.

Theo ông Hiện, từ nhiều năm nay, các cơ quan có trách nhiệm đã triển khai thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, trong đó đã nghiên cứu đề xuất mô hình tổ chức các Tòa án. TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là TAND cấp huyện) đã được tăng cường hơn về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, tăng thẩm quyền giải quyết hầu hết các loại vụ việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

 Xet-xu-so-tham
Một phiên xét xử sơ thẩm - Ảnh minh họa

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp dẫn quan điểm của Ủy ban TVQH cho rằng, thực tiễn tổ chức và hoạt động của TAND cấp huyện cho thấy việc tiếp tục giữ mô hình tổ chức TAND cấp huyện như hiện nay bảo đảm sự ổn định, thuận lợi cho người dân khi có công việc cần giải quyết tại Tòa án. Đồng thời, không làm phát sinh nhu cầu lớn về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất như phương án thành lập TAND sơ thẩm khu vực.

“Tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, Ủy ban TVQH đã chỉ đạo chỉnh lý dự Luật theo hướng giữ nguyên mô hình tổ chức TAND cấp huyện như quy định của Luật hiện hành”, ông Nguyễn Văn Hiện cho biết.

Như vậy, hệ thống tổ chức TAND gồm có: TAND tối cao; TAND cấp cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; các Tòa án quân sự, như thể hiện tại Điều 3 của dự Luật.

Liên quan đến việc thành lập Tòa giản lược trong cơ cấu tổ chức TAND, Ủy ban TVQH cho biết, theo giải trình trên thì không tổ chức TAND sơ thẩm khu vực mà tiếp tục giữ nguyên tổ chức của TAND cấp huyện như hiện hành.

Do đó, về nguyên tắc, TAND cấp huyện không phân chia thành các Tòa chuyên trách như đã thể hiện tại Điều 33 dự Luật trình Quốc hội tại kỳ họp 7.

Tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu phát triển của đất nước, xu hướng chuyên môn hóa trong tổ chức và hoạt động của Tòa án, đề nghị Quốc hội xem xét cho phép quy định theo hướng mở.

Cụ thể, TAND cấp huyện có thể có các Tòa chuyên trách như: Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa gia đình và người chưa thành niên, Tòa xử lý hành chính.

Căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ xét xử, Chánh án TAND tối cao quyết định thành lập Tòa chuyên trách nêu trên tại mỗi TAND cấp huyện.

Việc thành lập Tòa chuyên trách khác tại TAND cấp huyện do Ủy ban TVQH quyết định theo đề nghị của Chánh án TAND tối cao, như thể hiện tại Điều 44 của dự Luật.

Trường Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.