Bộ Tư pháp đang thẩm định hồ sơ của Ngân hàng nhà nước về đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ đấu tranh phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.
Theo dự thảo tờ trình của Thống đốc Ngân hàng nhà nước, năm 2003, Thủ tướng đã ban hành quyết định số 130 về việc bảo vệ tiền Việt Nam, năm 2010, Quốc hội đã thông qua luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam, một số văn bản dưới luật liên quan đến phòng chống tiền giả nhưng hiệu lực thi hành của các văn bản quy phạm pháp luật còn có nhiều điểm vênh nhau, chưa rõ ràng.
Trong khi đó, sự phát triển nhanh của công nghệ in, sao chụp và xử lý hình ảnh, việc làm tiền giả ngày càng dễ dàng thực hiện hơn, kỹ thuật làm giả cũng ngày càng tinh vi hơn, đòi hỏi trách nhiệm của các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam cần được nâng cao và quy định cụ thể hơn.
Trong nhiều đề xuất liên quan đến Nghị định đấu tranh phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam¸ Ngân hàng nhà nước cho biết có tình trạng sao chụp, sử dụng hình ảnh tiền Việt Nam gây ra sự nhầm lẫn, tạo ấn tượng không tốt về hình ảnh đồng tiền Việt Nam.
Cụ thể, hiện nay, nhiều các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng hình ảnh đồng tiền Việt Nam với mục đích in các ấn phẩm sử dụng cho tuyên truyền, làm tài liệu tập huấn… như: để in một số ấn phẩm (lịch treo tường, lịch để bàn và sổ công tác).
Đồng thời, những năm gần đây, tại một số địa phương xuất hiện "tiền giấy đồ chơi" là các ấn phẩm có in hình ảnh đồng tiền Việt Nam trên giấy cứng hoặc nền nhựa, được bày bán với tính chất như đồ chơi và một số cá nhân, nhóm cá nhân sản xuất, tiêu thụ tiền vàng mã có sử dụng hình ảnh đồng tiền Việt Nam các loại mệnh giá đang diễn ra khá phổ biến (như tiền vàng mã, tiền âm phủ mô phỏng theo mẫu tiền polymer, bao lì xì in hình ảnh đồng tiền Việt Nam…).
Theo Ngân hàng nhà nước, Quyết định số 130 quy định: “Sao chụp tiền Việt Nam không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng nhà nước” là hành vi bị nghiêm cấm nhưng chưa quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn sao chụp và việc quản lý sao chụp. Dẫn đến việc các cơ quan chức năng gặp khó khăn để xác định việc sản xuất tiền giấy đồ chơi, tiền vàng mã, tiền âm phủ mô phỏng theo mẫu tiền polymer… nêu trên có vi phạm pháp luật hay không, nếu vi phạm thì xử lý như thế nào.
Từ đó, Ngân hàng nhà nước đề nghị bổ sung các quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn sao chụp tiền Việt Nam như quy định màu sắc hình ảnh sao chụp (đen trắng hoặc sao chụp màu); sự khác nhau giữa kích thước hình ảnh sao chụp và kích thước đồng tiền thật (sao chụp một mặt/sao chụp cả hai mặt với kích thước nhỏ hơn hoặc lớn hơn đồng tiền thật; chất liệu dùng để sao chụp...).
Việc ban hành nghị định thay thế cho Quyết định 130 sẽ nâng cao giá trị pháp lý của các quy định pháp luật, đảm bảo thống nhất với quy định của hệ thống pháp luật.
Bình luận (0)