Đồng Bằng Sông Cửu Long ( ĐBSCL ) là một đồng bằng trẻ mới hình thành cách đây vài ngàn năm do biển lùi. Đồng bằng có diện tích hơn 40.000 km2 với dân số khoảng 20 triệu người, tương đương diện tích và dân số Hà Lan. Đồng bằng này từng là nơi trù phú đất lành chim đậu, chào đón và cưu mang hàng triệu con người từ các vùng miền về đây sinh sống nghĩa tình; không chỉ là vựa lúa của Việt Nam mà còn là kho lương thực, thực phẩm, cung cấp thủy hải sản cho toàn thế giới. Thế nhưng, biến đổi khí hậu cũng là lý do của tình cảnh đối lập của quá khứ với hiện tại của ĐBSCL hiện nay. Vì thế, cần có những giải pháp cấp bách để khôi phục vị thế, lợi thế của Đồng bằng.
Mở cảng biển, đường sắt
Người đồng bằng trước giờ lệ thuộc vào nông nghiệp với những nông sản nức tiếng gần xa như Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa Bình Minh, Canh Sành mộng nước Tam Bình hay Sầu Riêng Chợ Lách, Vú Sữa Vĩnh Kim….v..v… nhưng giờ cả đồng bằng đang đói phù sa, sạt lở bủa vây khắp nơi và nhiễm mặn sâu vào nội đồng thì nghề nông ngày càng kém phát triển dần theo thời gian. Nên việc đầu tiên cần làm là phải tạo công ăn việc làm cho người dân sở tại để họ khỏi phải di cư mưu sinh bằng việc đầu tư vào các khu công nghiệp, cảng biển tầm cỡ như đã đầu tư thành công tại vùng Đông Nam bộ.
Cao tốc ở ĐBSCL còn rất khiêm tốn so với tiềm năng và lợi thế |
Độc Lập |
Về cảng biển nên ưu tiên đầu tư tại Vịnh Cửu Long ( Vịnh Mặt Trời ) có thể tiếp nhận được các tàu lớn chuyên chở hàng xuất, nhập khẩu trực tiếp ra vào thế giới, không phải qua cảng trung chuyển ở Đông Nam Á hay miền Đông Nam Bộ. Việc này giúp giảm rất nhiều về chi phí vận tải và logistic mà bấy lâu nay các doanh nghiệp ở ĐBSCL phải gánh chịu. Đây cũng là lí do ĐBSCL khó thu hút đầu tư vào công nghiệp địa phương. Chỉ cần xây dựng một cảng biển tổng hợp loại một sẽ giải quyết được rất rất nhiều khó khăn tồn tại của ĐBSCL như thu hút đầu tư nhiều hơn, giảm ách tắt giao thông cho QL1 cũng như các tuyến cao tốc nhỏ hẹp kém an toàn hiện tại. Quan trọng hơn là giải quyết được việc làm cho người dân địa phương. Vị trí cảng biển nằm ở cuối hạ lưu sông Cổ Chiên, sẽ là cảng trung chuyển hàng hóa cho nước bạn Lào và Campuchia, đông bắc Thái Lan do cầu Cổ Chiên với chiều cao hạn chế nên các tàu nhỏ phải trung chuyển lên tàu lớn ở Vịnh Mặt Trời từ đó đi ra thế giới. Bao quanh khu vực cảng là các giồng cát biển thuộc Trà Vinh và Bến Tre sẽ được quy hoạch thành các khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu có thế mạnh của miền Tây như nông lâm, thủy hải sản và các mặt hàng điện tử công nghệ cao như điện thoại thông minh, máy tính bảng, chip bán dẫn hoặc là xe điện….
Về giao thông, ở ĐBSCL vô cùng kém cỏi với chất lượng đường làng nhỏ hẹp, thường xuyên xảy ra tai nạn, mặt đường xấu xí, chi chít hang hổ kém an toàn cho phương tiện tham gia. Việc di chuyển từ TP.HCM về TP. Vĩnh Long tuy chỉ có 123km nhưng những ngày lễ hay cuối tuần đều phải mất từ bốn đến sáu giờ, quá chậm chạp. Vì thế cần đầu tư tuyến đường sắt cao tốc 350km/h Sài Gòn – Mũi Cà Mau dài 345km tương đương chiều dài và vận tốc tuyến Thượng Hải đi Nam Kinh. Trước hết là đoạn một Sài Gòn – Vĩnh Long dài 90km với điểm đầu là ga An Lạc giao giữa đường Võ Văn Kiệt và QL 1A huyện Bình Chánh TP.HCM và điểm cuối là bến xe Vĩnh Long tại Phường 8 TP. Vĩnh Long. Với 7 ga An Lạc - 15km - Bến Lức - 15km – Tân An – 20km – Mỹ Phước – 15km – Cai Lậy – 12km – Cái Bè – 13km – Vĩnh Long. Với phí di chuyển cho mõi km là từ 1.000vnd - 1.500vnđ tùy theo khoảng cách cần di chuyển.
Đường sắt cao tốc được thiết kế với vận tốc 350km/h giúp kéo giảm thời gian di chuyển từ 2 đến 6 lần nếu so với đi đường bộ, tiết kiệm rất nhiều thời gian và đảm bảo an toàn cho người sử dụng cũng như giảm thiểu ách tắt giao thông cho những tuyến đường nhỏ hẹp kém an toàn hiện tại. Với những người làm việc lương trên 20 triệu thì việc mua vé tháng giá 3 triệu – 5 triệu để được làm việc tại Sài Gòn và ở nhà với gia đình mỗi ngày là trong tầm tay. Ưu điểm của tuyến đường sắt này là đi ngang các vùng đất thưa dân nhưng gần các đô thị lớn như Bến Lức, Tân An, Cai Lậy, Vĩnh Long và ngắn nhất so với bất kỳ phương án đường sắt nào đã đề xuất trước đây. Vì thế giảm chi phí cũng như thời gian xây dựng, giúp phát triển các đô thị vệ tinh như Mỹ Phước, Bến Lức, Cái Bè, Cai Lậy. Qua đó giúp người dân có cơ hội mua được nhà gần ga đường sắt cao tốc thuận tiện đi làm sau này…. Vì địa hình miền Tây trũng thấp nên tuyến đường sắt cao tốc sẽ được xây dựng trên cao cách mặt đất 8m như tuyến đường trên cao Bến Thành – Suối Tiên. Mặt bằng bên dưới tuyến đường sẽ được tận dụng làm đường dân sinh cho người dân xung quanh cũng như tạo ra một tuyến đường mới ngắn hơn QL1A hiện tại. Sau khi hoàn thành và khai thác đoạn 1 nếu thấy hiệu quả sẽ tiếp tục xây dựng đoạn 2 từ Vĩnh Long đi Cần Thơ dài 30km rồi từ Cần Thơ đi Cà Mau dài 100km và đoạn cuối Cà Mau đi cảng Hòn Khoai dài 100km.
Phát triển hệ thống đào tạo chất lượng cao
ĐBSCL là vùng trũng tri thức so với cả nước. Nếu muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển thì cần phải có trường học chất lượng cao để đào tạo nhân tài phục vụ cho các dự án nêu trên. Thay vì các trường đại học hàng đầu hầu như chỉ được xây dựng tại các thanh phố lớn thì nay sẽ mở các chi nhánh của các trường đại học lớn như Đại Học Bách Khoa, Y Dược, Quốc Gia TP.HCM, Hà Nội tại trung tâm miền Tây là Vĩnh Long và Đồng Tháp để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả vùng. Qua đó kích thích kinh tế vùng lõi miền Tây phát triển nhờ những mảnh đất nông nghiệp được chuyển sang xây dựng trường học, nhà trọ và quán xá phục vụ nhu cầu của sinh viên. Thay vì học các trường tại TP.HCM hay Hà Nội với chi phí phòng trọ từ hai đến ba triệu cho một phòng 15m2 thì với số tiền này sinh viên có thể thuê được cả một căn nhà rộng rãi và chi phí ăn uống sinh hoạt cũng giảm đi gần một nửa nếu nếu so với trung tâm Sài Gòn hay Hà Nội. Với hàng trăm ngàn sinh viên theo học các trường đại học thì không những giúp kinh tế địa phương phát triển về ẩm thực và bất động sản mà sẽ có thêm rất nhiều khu công nghiệp, công ty dịch vụ ăn theo sự phát triển của dân số trẻ như nhà xuất bản, phô tô, in ấn, trung tâm giải trí và các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận được mặt bằng giá rẻ, nguồn lao động địa phương dồi dào qua đó kích thích kinh tế cả khu vực miền Tây phát triển, được lan tỏa từ vùng lõi giữa sông Tiền và sông Hậu ra khắp miền Tây. Sau khi học ra trường đi làm thì cơ hội phát triển sự nghiệp, tích lũy mua nhà tại đây của người trẻ cao gấp nhiều lần so với mua nhà tại Hà Nội hay Sài Gòn. Ngoài ra việc đưa sinh viên về miền Tây còn giúp các thành phố lớn giảm kẹt xe cũng như mang tri thức về nông thôn giúp người dân nông thôn nâng cao hiểu biết và có cuộc sống tốt hơn, không phải ly hương cầu thực như bấy lâu nay.
Bình luận (0)